Do tính chất công việc, không có thời gian nấu nướng nên nhiều người chọn thức ăn đường phố rẻ, nhanh chóng dù biết nguồn thực phẩm đó không rõ nguồn gốc…
Nên thận trọng với các loại thức ăn đường phố |
Quán ăn vỉa hè khá tiện lợi, chỉ cần đang đi xe tạt ngang tấp vào lề đường là có thể mua được khá nhanh chóng. Bạn Nhật Minh – sinh viên nói: “Các quán ăn vỉa hè mở đầy trên đường, mình không ăn vẫn có rất đông người ăn. Mà họ ăn không sao nên mình cũng chẳng sao. Thức ăn ở vỉa hè đa dạng, nhiều sự lựa chọn hôm nay ăn món này mai ăn món khác, sáng chiều không trùng nhau”.
Ăn là để sống, thế nhưng sự sống sẽ duy trì bao lâu khi chúng ta ăn các loại thực phẩm ôi thiu, măng ngâm hóa chất, những loại thực phẩm đã hư hỏng như heo bệnh, bò bệnh… được tái chế lại bằng các loại hóa chất độc hại, các loại thực phẩm phơi khô dưới đất, dưới nền đường đầy đất cát và ruồi nhặng bu vào đẻ trứng.
Anh Nguyễn Văn Thắng (nhân viên) cho biết: “Công việc của tôi thời gian giờ giấc không cố định, tôi lại ở một mình nên cũng lười nấu ăn. Đi làm về 10 giờ tối thì ăn đại cái gì ngoài đường vừa nhanh gọn rồi về ngủ. Tôi cũng không để ý lắm chỉ thích thì vô ăn thôi cũng không lựa chọn quán như thế khá mất thời gian”.
Hằng ngày, vẫn đập vào mắt chúng ta những quán ăn bên cạnh những đống rác thải ruồi nhặng bay vo ve, những thùng nước nhỏ xíu để hết chồng tô chén đũa này đến chồng khác “thủy chung” vẫn chỉ có vài lít nước. Thức ăn đường phố tiện nhưng không lợi mà lại còn mang rất nhiều mầm bệnh ẩn sâu khi đưa vào cơ thể “ủ bệnh” chờ ngày phát tác gây họa trên cơ thể con người.
Thực tế, mỗi năm chúng ta có hàng chục ngàn người bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và các loại thực phẩm chứa hóa chất dẫn đến ung thư. Thức ăn đường phố đang trở thành thói quen ăn uống của phần lớn chúng ta. Tỉ lệ mắc ung thư do thực phẩm bẩn ở nước ta đang ở mức báo động là 35%. Trung bình mỗi năm có 75.000 người chết vì ung thư liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm “ngậm” hóa chất. Đây quả thật là những con số thống kê khiến chúng ta “không lạnh mà run” trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan.
Theo tiến sĩ Lê Thị Vân – giảng viên ĐH Văn Lang: “Ngày trước, chúng ta cũng có những loại thực phẩm bẩn, thế nhưng chỉ là bẩn về đất cát, chứ không bẩn về hóa chất như bây giờ. Cái bẩn hóa chất đáng sợ hơn nhiều. So sánh giữa cái bẩn đất cát chỉ tạo ra giun sán và chúng ta có thể loại bỏ được trong khi hóa chất rất khó hoặc không loại bỏ được và gây ung thư. Mọi người nên khắt khe hơn với bản thân mình là điều rất nên làm. Chỉ có chúng ta mới thay đổi được tư duy chạy theo lợi nhuận của người bán. Mình không ăn thì người bán họ cũng phải thay đổi chọn những loại thực phẩm như thế nào thì người khác mới ăn”.
Mỗi người dân đã đến lúc phải nghiêm khắc với bản thân, không thỏa hiệp với thực phẩm bẩn đó là cách tự bảo vệ sức khỏe của mình. Không ai trong chúng ta muốn chỉ vì ăn mà chúng ta mắc những căn bệnh nan y do đó nghiêm khắc với chính bản thân mình chưa bao giờ là quá muộn. Hơn bao giờ hết vào lúc này mỗi người cần phải có tiếng nói của chính bản thân nhằm giảm thực trạng này, đảm bảo việc ăn uống hợp vệ sinh để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe.
Bài, ảnh: Phạm Quyên
Bình luận (0)