Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là một áp lực lớn…
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% như mục tiêu đã đề ra thì những tháng cuối năm kinh tế cả nước cần phải tăng trưởng trên 9%.
Đẩy mạnh đầu tư công
Thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 được đặt ra trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Trước những vấn đề đã được nhận diện, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bởi đây được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 với trên 700.000 tỉ đồng vốn theo kế hoạch. 
Tuy nhiên, đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng những dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế nên thiếu mặt bằng để triển khai dự án, dẫn tới chậm giải ngân vốn.
Để giải quyết vấn đề này, ông Chương cho rằng cần có sự điều chỉnh bảng giá đất tỉnh theo từng năm hoặc điều chỉnh hệ số để việc xác định bảng giá đất theo sát giá trị thị trường. Mặt khác, cần quy định cụ thể về áp dụng phương pháp định giá đất trong quá trình xác định giá đất cụ thể, thống nhất kết quả tư vấn xác định giá đất cụ thể từ tổ chức tư vấn độc lập.
Ngoài ra, để thúc đẩy tiến độ đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng cuối năm, GS-TS Phạm Hồng Chương kiến nghị giải quyết sớm tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng. Việc thẩm định và phê duyệt cần kịp thời hơn để đưa các mỏ cát đã đấu giá vào khai thác.
Cũng liên quan đầu tư công, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
"Theo tôi, cần khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, có sự tham gia của các DN nước ngoài, đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư hạ tầng" – bà Hương nói.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 là thách thức lớn.
Thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng
Về động lực xuất khẩu, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng những thị trường mới.
Để tiếp tục thúc đẩy động lực quan trọng này, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia – cho rằng cần hỗ trợ DN chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu để khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu.
"Cần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với DN hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn và lao động" – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho DN xuất khẩu có động lực duy trì sản xuất – kinh doanh, có nguồn vốn sản xuất các đơn hàng mới.
Bộ Công Thương cũng đề xuất phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để giảm chi phí logistics, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, từ đó hạ chi phí, giá thành giúp giá cả hàng hóa khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được.
Dưới góc độ DN, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kỳ vọng Chính phủ sẽ điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế – tài chính theo hướng có lợi cho xuất khẩu như chính sách tiền tệ, thuế, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistics. 
"Chính phủ cần đồng hành với DN trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA…" – ông Trường nêu quan điểm.
Ngoài 2 động lực đầu tư và xuất khẩu, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất, hỗ trợ phục hồi, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. 
Theo TS Cấn Văn Lực, tiêu dùng tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Do đó, các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước là rất cần thiết vào thời điểm này.
Nhấn mạnh vai trò kích cầu tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng cần có thêm các chính sách giảm giá hàng tiêu dùng, giảm thuế thu nhập cá nhân và DN, tăng cho vay tiêu dùng. 
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chính sách giảm thuế GTGT 2% để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, DN sản xuất – kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; triển khai diện rộng các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. 
Xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy
Theo chuyên gia kinh tế – TS Vũ Đình Ánh, thực tế, một số bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất tốt, thậm chí vượt kế hoạch. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành, địa phương lại triển khai ì ạch do trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ, công chức.
Ông Ánh nhấn mạnh một số trường hợp chậm giải ngân không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đổ tội cho cấp dưới hay điều kiện khách quan. Do đó, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, cần xử lý rốt ráo rào cản này.
 
MINH CHIẾN (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)