Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thúc đẩy đấu giá trực tuyến quyền sử dụng đất có giá trị lớn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay 14-8 (và diễn ra đến hết ngày 18-8), cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Lãnh đạo và thành viên Chính phủ khác sẽ cùng tham gia làm rõ vấn đề.
Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) tới nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết); không có dự án luật phải rút ra khỏi chương trình xây dựng luật.
Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, đều được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, bộ này đã hoàn tất việc chỉnh lý dự thảo nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tư pháp nhận định, vẫn còn tình trạng nhiều dự án được đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật không theo chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, UBTVQH; chất lượng một số dự án luật chưa cao. Bên cạnh đó là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành…
Về vấn đề đấu giá tài sản, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thời gian qua, hoạt động này từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tiệm cận hơn với các chuẩn cơ bản của lĩnh vực đấu giá trong cơ chế kinh tế thị trường tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu.
Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Từ tháng 7-2017 đến ngày 31-12-2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập. Để khắc phục, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Biện pháp trước mắt là bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm; kiện toàn đội ngũ đấu giá viên; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến, nhất là đối với tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.
ANH THƯ (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)