Ba nhà lãnh đạo Hàn Quốc – Trung Quốc – Nhật Bản cam kết đẩy nhanh đàm phán hướng tới việc ký kết hiệp định thương mại tự do ba bên
Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đạt thỏa thuận trên sau khi Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự trước ngày 4-6.
"Chúng tôi đồng ý tiếp tục nỗ lực tích cực để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên" – tuyên bố cho biết thêm.
Tại hội nghị, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida chỉ trích kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo đó cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Cường kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế để giảm bớt căng thẳng.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh Hàn – Trung – Nhật còn thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực cụ thể: kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, sức khỏe, khoa học và công nghệ, quản lý thảm họa và an toàn, giao lưu nhân dân.
Các nhà lãnh đạo đồng ý thể chế hóa hợp tác ba bên bằng cách thường xuyên tổ chức hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên. Lần gần đây nhất hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra là tháng 12-2019. Sau đó, sự kiện này bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19 và các tranh cãi lịch sử.
Từ trái qua: Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại một sự kiện ở thủ đô Seoul hôm 27-5. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, theo Reuters, tuyên bố chung kêu gọi 3 nước hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thương mại, hòa bình quốc tế… Lãnh đạo 3 nước còn đồng ý phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là khi năm nay ghi nhận lần hiếm hoi các quốc gia này cùng là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc là thành viên thường trực trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản là thành viên không thường trực.
Trên mặt trận kinh tế, theo hãng tin Kyodo, 3 nhà lãnh đạo cam kết đẩy nhanh đàm phán hướng tới việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên. Trước đó, đã có 16 vòng đàm phán chính thức diễn ra từ năm 2012 trước khi tiến trình này bị đình trệ vào tháng 11-2019.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ba nước này hiện chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu và 20% thương mại toàn cầu.
Theo Reuters, Thủ tướng Lý Cường nhận định hội nghị lần này đánh dấu "một khởi đầu mới" và kêu gọi khôi phục toàn diện sự hợp tác giữa các cường quốc kinh tế của Đông Á.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng để điều này xảy ra, chính trị cần được tách biệt khỏi các vấn đề kinh tế và thương mại. Ông cũng kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ và việc chia tách chuỗi cung ứng.
Dù vậy, theo Kyodo, triển vọng của các cuộc đàm phán thương mại và kinh tế là ảm đạm vì Nhật Bản đang chỉ trích Trung Quốc có những hoạt động kinh doanh không công bằng và mong muốn Bắc Kinh điều chỉnh.
Hai nước này hiện còn bất đồng về vấn đề Trung Quốc cấm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Lệnh cấm này đưa ra sau khi Tokyo cho xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 8-2023. Tại cuộc gặp Thủ tướng Lý Cường hôm 26-5, Thủ tướng Kishida đã đề nghị Trung Quốc lập tức dỡ bỏ lệnh cấm này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc vẫn bày tỏ lo ngại về động thái nói trên và cho rằng nước xả thải bị "nhiễm phóng xạ hạt nhân".
Thông báo gây lo lắng của Triều Tiên Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự trong giai đoạn từ ngày 27-5 đến 4-6. Bình Nhưỡng cũng thông báo 3 khu vực trên biển nơi các mảnh vỡ tên lửa dự kiến rơi xuống, gồm 2 khu vực ở phía Tây bán đảo Triều Tiên và một khu vực ở phía Đông đảo Luzon – Philippines. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã điện đàm và thúc giục Bình Nhưỡng ngưng kế hoạch vì cho rằng việc phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Theo hãng tin Reuters, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 27-5 cho biết thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh, Tokyo cũng yêu cầu Bình Nhưỡng hủy kế hoạch phóng vệ tinh. Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận trên không gần biên giới Triều Tiên để đáp trả kế hoạch trên. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) tuyên bố cuộc tập trận thể hiện quyết tâm, khả năng trừng phạt ngay lập tức, mạnh mẽ và đến cùng nếu đối phương có hành động khiêu khích. Người phát ngôn JCS Lee Sung-jun gọi kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên là hành động khiêu khích, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên đã phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Sau đó, nước này công bố kế hoạch phóng thêm 3 vệ tinh trong năm 2024. Vào tuần rồi, quân đội Hàn Quốc cho biết đã phát hiện dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị cho một vụ phóng như thế tại một bãi phóng ở bờ biển phía Tây nước này. Giới chuyên gia nhận định vệ tinh do thám có thể cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo của Bình Nhưỡng, đặc biệt là về Hàn Quốc và cung cấp dữ liệu quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Xuân Mai |
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)