Hội nhậpThế giới 24h

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Uganda

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên của Uganda tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni ngày 24-11 đã đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Lãnh đạo hai nước hoan nghênh những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương những năm qua. Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Uganda còn rất to lớn, lãnh đạo hai nước thống nhất các định hướng cụ thể để thúc đẩy hợp tác song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao kim ngạch thương mại song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, với quy mô thị trường gần 150 triệu dân của hai nền kinh tế.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Uganda - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu về lịch sử và không gian Phủ Chủ tịch cho Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni. Ảnh: Hữu Hưng

Chủ tịch nước đề nghị Uganda tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh mỗi bên, trong đó Việt Nam nhập khẩu bông và gỗ từ Uganda, còn Uganda nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải và linh kiện, thiết bị viễn thông… từ Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp, coi đây là một trong những trụ cột của hợp tác song phương, trong đó ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Ngoài ra, thông qua các mô hình hợp tác nhiều bên với sự tham gia, tài trợ của các đối tác phát triển như Liên minh châu Âu, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc…, hai nước mở rộng hợp tác về sản xuất lương thực.

Hai bên cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư thông qua tăng cường trao đổi thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước hoạt động. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng như giáo dục – đào tạo, thông tin – truyền thông, quốc phòng – an ninh, y tế, công nghệ thông tin, du lịch, dầu khí, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; 4 bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, thông tin – truyền thông và kỹ thuật nông nghiệp. 

Theo Phạm Dương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)