Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nông dân trong ngành hàng tiêu, cà phê

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh vừa có buổi làm việc với hiệp hội ngành hàng cà phê và tiêu để bàn giải pháp thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh đối với hai mặt hàng này.

Năm 2016, xuất khẩu cà phê nhân nước ta đứng thứ hai thế giới với 1,78 triệu tấn (đạt 3,34 tỷ USD), tăng 32,8% về lượng và 25% về giá trị. Nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê nước ta còn thấp, do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Theo Cục Trồng trọt, tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Nói về chuỗi giá trị, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, liên kết giữa DN với nông dân còn yếu, mua bán cà phê chủ yếu qua thương lái, có nhiều rủi ro về chất lượng. Vấn đề này đã được bàn nhiều, nhưng các DN lớn trong hiệp hội đều cho rằng “không làm thế nào để thoát ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được”. Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, nhưng hiện các doanh nghiệp chỉ bán theo “thỏa thuận” về độ ẩm, hạt vỡ, tạo chất bao nhiêu phần trăm là chính, số tuân thủ theo tiêu chuẩn chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cà phê của Việt Nam bị trả giá thấp.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch cà phê

Tương tự, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chưa chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao để xuất khẩu. Hiện nay, ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với tình trạng phát triển nóng do tăng nhanh diện tích trồng hồ tiêu trong những năm qua, giá bán hồ tiêu giảm gần một nửa (hiện ở mức 110.000 đồng/kg) và tình hình dịch bệnh đang gây hại ở các địa phương. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác tốt giữa DN và nông dân về sản xuất, chế biến an toàn. Có ý kiến đề nghị cần truy xuất xuất xứ sản phẩm để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho nông dân và DN.

HỮU TRÍ (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)