Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thúc đẩy tăng trưởng việc làm bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam sẽ nỗ lực tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% , tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mỗi năm, đồng thời giảm cơ cấu lao động trong nông nghiệp xuống còn 30% vào năm 2020. Đây là những mục tiêu cụ thể của dự thảo Chiến lược Việc làm Việt Nam 2011 – 2020 được đề cập tới trong hội thảo tư vấn quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết, mục tiêu chính của dự thảo Chiến lược này hướng tới xúc tiến việc làm bền vững cho cả hai giới, cải thiện thu nhập, giảm nghèo và duy trì ổn định xã hội. Những dự báo chính dành cho thị trường lao động giai đoạn 2011-2020 là lực lượng lao động có thể đạt từ 57 đến 62 triệu người, cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ có thể đạt xấp xỉ 35%. Ngoài ra, chiến lược cũng hướng tới tăng trưởng việc làm bình quân đạt khoảng 2% năm, tăng tỷ lệ lao động được trả lương lên 65% vào năm 2020…
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, việc làm vẫn là vấn đề bức xúc của Việt Nam trong thời gian tới. Những yêu cầu về việc làm bền vững, Việt Nam xanh, tác động bất lợi từ khủng khoảng kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ đem lại nhiều cơ hội và thách thức to lớn đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế trong hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lĩnh vực việc làm, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng Luật Việc làm và các luật chuyên ngành khác hướng tới mọi đối tượng lao động của việc làm chính thức và phi chính thức, khu vực thành thị và nông thôn, hỗ trợ các đối tượng yếu thế nhằm hướng tới mục tiêu tạo việc làm theo hướng bền vững, ổn định theo Chương trình nghị sự việc làm toàn cầu.
Chiến lược “Việc làm Việt Nam” giai đoạn 2011-2020 nhằm cụ thể hoá những chủ trương, định hướng của Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 trong lĩnh vực việc làm, đồng thời hướng tới thực hiện các mục tiêu và tiêu chuẩn về việc làm bền vững làm theo khuyến nghị của ILO.
Theo LÊ NGÂN
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)