Năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng một số chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CĐS) ngành giáo dục.
Thông tin này được các nhà quản lý giáo dục nêu ra tại tọa đàm trực tuyến “Ngày hội Công nghệ Giáo dục 2021 – Tương lai Giáo dục hậu Covid”, diễn ra ngày 24-12.
Tọa đàm do Microsoft Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, và các đối tác công nghệ và giáo dục đồng tổ chức, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Sự kiện có sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin – Bộ GD-ĐT; các sở, phòng GD-ĐT thuộc 63 tỉnh thành cùng hơn 1.000 lãnh đạo và giáo viên các trường đại học, cao đẳng, học viện và phổ thông trên cả nước.
Chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS ngành giáo dục gồm 3 nội dung chính. Thứ nhất, Bộ GD-ĐT ban hành Bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá CĐS các cơ sở GD-ĐT để các trường có một lộ trình chuyển đổi bài bản và khoa học. Thứ hai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chuẩn dữ liệu số, học liệu số để đảm bảo dữ liệu số của ngành giáo dục có sự liên thông và kết nối với dữ liệu quốc gia. Thứ ba, rà soát và nghiên cứu kỹ các giải pháp công nghệ thông tin cho ngành giáo dục để các trường có thể tham chiếu, lựa chọn tùy theo điều kiện cơ sở mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn thông tin mạng.
Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD-ĐT, đại dịch Covid-19 có thể coi là cú huých với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình CĐS. Trong 2 năm qua, tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy. Nhiều trường học đã sớm đầu tư một hệ sinh thái số từ việc dạy và học trực tuyến đến hệ thống quản trị không giấy tờ và tổ chức bài bản các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ nhân viên và thầy cô.
“CĐS là xu hướng tất yếu và đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực và ngành nghề. Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã đặt mục tiêu giáo dục phải đi tiên phong trong lĩnh vực CĐS, thậm chí là cần phải đi trước cả y tế”, ông Tô Hồng Nam cho biết. Ông cũng nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất cho giảng dạy và học tập, tránh việc sa đà vào việc trình diễn công nghệ mà không thiết thực. Các doanh nghiệp phải tư vấn một cách công tâm và trung thực cho nhà trường, kể cả các điểm yếu và hạn chế nếu có trong mỗi giải pháp công nghệ”.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh, Microsoft Việt Nam, nhìn nhận CĐS giáo dục không chỉ là việc có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn còn là việc cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
Đại diện các đơn vị công nghệ tham gia tọa đàm
Tại Microsoft, luôn nỗ lực trao quyền cho học sinh hôm nay để tạo ra thế giới ngày mai. Tương lai của giáo dục là học tập kết hợp – hybrid learning. “Để thực hiện được điều đó, Microsoft đã xây dựng Khung CĐS Giáo dục dựa trên nghiên cứu và nhiều thập kỷ làm việc với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo trường học và các nhà giáo dục trên thế giới, thông qua 4 trụ cột chính là: Lãnh đạo và Chính sách; Dạy và Học; Môi trường thông minh; và Sự thành công của học sinh và nhà trường”, ông Phùng Việt Thắng cho hay.
Bên cạnh các nền tảng và công cụ thúc đẩy CĐS trong giáo dục từ Microsoft Việt Nam, tại tọa đàm, các nhà quản lý và lãnh đạo các trường còn được lắng nghe chia sẻ và tọa đàm về xu hướng giáo dục số; sự sẵn sàng của học sinh và giáo viên trong giáo dục số, cũng như các giải pháp và thiết bị tăng cường sự sáng tạo trong học tập từ xa từ ASUS Việt Nam, Lenovo Việt Nam, Edmicro, Wacom Việt Nam, My Bridge Edu, AZ Việt Nam, We Master, IIG Việt Nam, và Pyramid S&C để có thể tìm được lời giải toàn diện cho tương lai của giáo dục hậu Covid.
Diễm My
Bình luận (0)