Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thúc đẩy triển khai các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 9-3-2024, tại TP.Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành hữu quan họp tổ công tác đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án sử dụng vốn của Ngân hàng thế giới (World Bank – WB ) với các địa phương vùng  đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp

Theo Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  hiện Việt Nam có 13 hiệp định vay vốn WB đang được triển khai, với vốn 2,42 tỷ USD. Có 40 dự án đang chuẩn bị triển khai với số vốn 3,22 tỷ USD. Trong đó những dự án tiềm năng được WB quan tâm, ưu tiên  là các dự án trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, các dự án đường sắt cải thiện an toàn và thích ứng kết nối TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, đường sắt đô thị tại Hà Nội, các dự án về chuyển đổi số, dự án giảm phát thải, hỗ trợ phát triển 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải metan thấp, các dự án phát triển đô thị…


Quang cảnh cuộc họp

Bộ KH-ĐT nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dự án sử dụng vốn vay WB còn một số khó khăn như chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa rõ ràng trong xác định cơ quan chủ quản do có những khoảng trống về pháp lý, nhất là khi triển khai các dự án thuộc địa bàn nhiều địa phương. Vướng mắc về thẩm quyền đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương hay địa phương, phân định giữa chi đầu tư và chi thường xuyên chưa rõ ràng trong một số lĩnh vực… Việt Nam còn một số hạn chế như trình độ, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; ngân sách, nguồn lực khó khăn dẫn tới thiếu vốn đối ứng, nhân sự dự án không đủ trình độ; chậm trễ trong đền bù, phải phóng mặt bằng và tái định cư…

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện các dự án vay vốn của WB, và đề nghị các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án. Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các bộ, ngành và địa phương đề xuất WB phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các dự án đang thực hiện và  đề nghị điều chỉnh (sử dụng vốn dư, kéo dài thời gian thực hiện dự án…).  


Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ  trình bày việc triển khai các dự án do WB hỗ trợ tại Cần Thơ và nêu kiến nghị để tháo gỡ khó khăn

Bà Kathleen A.Whimp – Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương đồng ý với nhận định của Bộ KH-ĐT về thời gian triển khai các dự án còn dài. Ví dụ như khung thời gian để làm công tác đánh giá và thẩm định dự án còn chậm trễ thì cần xem xét làm sao để rút ngắn thời gian: “Việc kéo dài thời gian khiến thực hiện các dự án gặp khó, chẳng hạn WB có dự án hỗ trợ Đề án phát triển 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao của Việt Nam nhưng đến nay WB vẫn chưa giải ngân được… Mặt khác, WB Việt Nam cũng khó trong linh hoạt thay đổi phạm vi các dự án bởi phải tuân theo quyết định của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thế giới… Đội ngũ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam rất linh hoạt trong đàm phán hiệp định vay nhưng cái khó là cần có yêu cầu chính thức từ Chính phủ Việt Nam thì chúng tôi mới có cơ sở đưa ra các đề xuất của mình, dựa trên khung pháp lý chung của Ngân hàng Thế giới" – Bà Kathleen A.Whimp chia sẻ.

Cũng theo bà Kathleen, một hiệp định vay khi đã ký thì sẽ trở thành hiệp định quốc tế và trong quá trình triển khai dự án phải tuân thủ theo các quy định của WB và luật pháp quốc tế. Thực tế trong quá trình thực hiện dự án sau khi có hiệp định vay vẫn đúng với các cam kết của Việt Nam nhưng trên thực tế vẫn gặp các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật của quốc gia. Do vậy WB mong  các đối tác của Việt Nam, bao gồm Bộ Tư pháp và các đơn vị chủ trì dự án, chủ đầu tư, các bộ, ngành trao đổi các vấn đề này thật cụ thể với Ngân hàng Thế giới để hai bên cùng nhau tìm cách giải quyết những vướng mắc, chưa thống nhất giữa quy định của WB và luật của Việt Nam.


Bà Kathleen A.Whimp – Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương (áo đỏ), trình bày các vướng mắc của WB trong triển khai các dự án

Trước ý kiến của đại diện WB, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, liên quan đến các trình tự, thủ tục, quy định pháp luật về các dự án ODA, hiện Việt Nam đang tiến hành quy trình sửa đổi luật có liên quan. Trong đó, Luật Ngân sách nhà nước cũng đang trong quá trình tổng kết và sắp tới là sẽ có lộ trình để sửa đổi luật này. Bên cạnh đó, giữa Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công sau thời gian thực hiện luật từ năm 2019 đến nay vẫn còn những khó khăn về mặt pháp lý. Hiện Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục rà soát để tổng hợp những khó khăn để tiến hành sửa đổi một lần nữa,  đặc biệt là liên quan đến các dự án ODA.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quan điểm chỉ đạo của Bộ KH-ĐT là phải tiếp tục đơn giản hóa đến mức tối đa các thủ tục của ODA để làm sao triển khai  nhanh. Tuy nhiên ODA luôn có đặc thù là phải áp dụng song hành các quy định  trong nước và của đối tác và việc tìm kiếm giải pháp để dung hòa được về quy định pháp lý và trình tự, thủ tục của cả hai bên là ưu tiên. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cho biết đây là việc khó, không phải áp dụng một lần chung cho tất cả các đối tác. Việc này tiếp tục cần sửa đổi nhưng không thể nhanh chóng vì lộ trình phức tạp…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nhóm khó khăn nói nhiều mà chưa có sự chuyển biến là về tổ chức thực hiện. Đặc biệt, khâu phối hợp tham gia ý kiến của các bên liên quan với nhau để trình cấp có thẩm quyền xem xét mất rất nhiều thời gian. Do đó, thời gian tới cần tập trung xử lý các khó khăn trên. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng cần phối hợp với các chủ dự án rà soát các đề nghị cần có ý kiến phản hồi, thư không phản đối của WB, xác định thời hạn hoàn thành, thông báo kết quả giải quyết cho tổ công tác. Đối với các dự án mới, WB phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đàm phán, ký hiệp định vay; đồng thời kết hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ liên quan xây dựng các dự án tiềm năng; rà soát quy trình nhằm đơn giản hóa thủ tục..  

Đan Phượng

Bình luận (0)