Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thực hiện “3 công khai”: Đừng làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi!

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay 15-12, là hạn cuối để các trường ĐH-CĐ, học viện trên cả nước phải hoàn thành báo cáo với Bộ GD-ĐT về thực hiện “3 công khai”. Và Bộ GD-ĐT cũng tuyên bố chắc nịch: Nếu không đảm bảo quy chế công khai, các trường có thể bị ngừng giao chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học tới. Thế nhưng, liệu “công khai” 100% thì đã đủ tăng chất lượng giáo dục? đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ… 
Không mới, chỉ thay đổi cách làm 
Đến chiều 14-12, chúng tôi “dạo quanh” website của các trường ĐH đều chưa thấy nội dung “3 công khai” như quy định của văn bản số 9535/BGDDT-KHTC. Quy định này của Bộ GD-ĐT như “tối hậu thư” buộc các trường phải công khai minh bạch những điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng và mục tiêu đào tạo. Phần lớn các trường đang ráo riết triển khai các nội dung “3 công khai” để báo cáo lên bộ. Từ phía nhà trường cho rằng những nội dung “3 công khai” không mới mà chỉ là thay đổi cách làm.
Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nằm trong nội dung “3 công khai”. Trong ảnh: Sinh viên đang thực tập trong phòng thí nghiệm Đại học Nông lâm. Ảnh: THANH HÙNG
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho biết: Những tiêu chí công khai mà bộ quy định đều là việc các trường đã thực hiện từ lâu. Từ số lượng giảng viên của các khoa đến chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm, ký túc xá… đều không “bí mật”. Vấn đề công khai tài chính tuy có mới nhưng với trường công, mức học phí phải nằm trong khung quy định. Riêng những trường ngoài công lập cần phải minh bạch với cơ quan quản lý và người học về mức học phí cụ thể. Tiêu chí chuẩn đầu ra cũng làm đau đầu vì mỗi trường mỗi khác, những kỹ năng mềm đo đếm bằng gì cho chính xác? 
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Để công khai minh bạch theo kiểu tấm ra tấm, miếng ra miếng thì đòi hỏi phải công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cụ thể, không chỉ báo cáo đơn thuần về số liệu. Báo cáo số liệu thì ai mà chẳng nói được, bởi vậy mới có chuyện một vị tiến sĩ vừa là giảng viên cơ hữu của trường này vừa kiêm chủ nhiệm khoa ở trường khác, chưa kể là giảng viên thỉnh giảng của hàng lô trường ĐH dân lập khác… 
Công tác hậu kiểm mới quan trọng 
Lần thực hiện 3 công khai được triển khai rầm rộ vì chế tài đưa ra nhằm vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Theo PGS Huỳnh Thanh Hùng, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường căn cứ vào tỷ lệ SV/GV, cơ sở vật chất… Thế nhưng thực tế có nhiều trường điều kiện đào tạo không “nở” nhưng chỉ tiêu tuyển sinh cứ tăng hàng năm. 
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên, góp ý: Vấn đề công khai chỉ thực sự có ý nghĩa, hiệu quả khi bộ thanh, kiểm tra chặt chẽ những thông tin công khai của các trường. Đây là việc làm có ý nghĩa công khai minh bạch nhưng chưa đủ để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Việc công bố thu nhập của giảng viên, cán bộ… khó khả thi vì ngay cả giảng viên cơ hữu cũng không thể quản lý thời gian của họ nên trường không thể công bố qua loa, thiếu chính xác và hơn nữa đây là vấn đề riêng tư. 
Việc các cơ sở GD ĐH cần công khai nguồn lực của mình để cơ quan quản lý, người học và xã hội theo dõi, giám sát là cần thiết. Nhưng vấn đề là các trường báo cáo, công khai như thế nào để đảm bảo tính chính xác thực tế, sự công bằng giữa các trường với nhau? Điều này còn phải trông chờ vào sự hậu kiểm, thanh tra công tâm của cơ quan quản lý 
 Năm 2010: Ngừng tuyển sinh với trường ĐH-CĐ không “3 công khai” 
Quy định của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở GD ĐH: thực hiện “3 công khai” về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính. Các trường phải công bố chuẩn đầu ra; tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm; kết quả kiểm định chất lượng GD; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo ngành; số lượng và diện tích giảng đường, phòng học, phòng chuyên môn, xưởng thực tập; mức học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học (năm học 2009 – 2010), những nguồn thu khác của trường; ngân sách nhà nước cấp (nếu có); chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp; thu nhập bình quân/tháng của giảng viên; của cán bộ quản lý và của nhân viên phục vụ. 
Các trường phải báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-12-2009 và công khai trên trang tin điện tử của trường, khoa, thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra thực tế tại một số trường trước ngày 15-1-2010 và thông báo danh sách trường không được tuyển sinh trong năm 2010 vì không đáp ứng các nội dung yêu cầu công khai.
TIÊU HÀ/SGGP

Bình luận (0)