Những năm gần đây, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện trong giai đoạn mới và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngành giáo dục đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm “đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học…”.
Theo tác giả, để thực hiện thành công phương châm “3 thực chất”, ngành giáo dục cần được phụ huynh học sinh chia sẻ, thấu hiểu và hỗ trợ (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Trong đó, ngành giáo dục chú trọng thực hiện đổi mới các khâu trong quá trình đào tạo, với phương châm “3 thực chất”, đó là dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất. Đây là mục tiêu, giải pháp quan trọng, quyết định sự phát triển các mối quan hệ thầy – trò, hai chủ thể quan trọng nhất của hoạt động giáo dục. Để thực hiện tốt phương châm đề ra, các cơ quan chức năng và nhà trường phổ thông cần chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi đối tượng về việc dạy, học và đánh giá kết quả phải thực chất.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ “dạy thực chất” là dạy những gì người học cần, gia đình và xã hội cần. Vậy, học sinh phổ thông ngày nay cần cái gì? Hiện nay thì các em cần những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế. Đó là, học sinh phải có những hiểu biết cơ bản về thế giới khách quan, có kỹ năng và thái độ sống phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội. Vì thế, người thầy cần dạy những nội dung phù hợp để học sinh đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ sau khi kết thúc mỗi môn học, học kỳ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Đội ngũ nhà giáo – chủ thể hoạt động dạy học, yếu tố quyết định việc “dạy thực chất” – phải luôn không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực và chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Để “dạy thực chất”, các nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nêu vấn đề để phát huy tính tích cực của học sinh, lấy người học làm trung tâm. Đây là khâu đột phá để khắc phục tình trạng dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, nặng tính hàn lâm, hình thức trong đổi mới giảng dạy. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, phòng GD-ĐT, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành nghề nghiệp và đẩy mạnh dạy học, làm việc theo nhóm…
Phương châm “3 thực chất” – dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất – không chỉ là phương châm, mà phải trở thành phong trào hành động sôi nổi, tự giác trong toàn ngành giáo dục, tạo động lực thúc đẩy quá trình giáo dục, đào tạo phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. |
Cùng với đó, “học thực chất” là quá trình người học phải chủ động làm việc với vốn tri thức của nhân loại – phát huy cao độ tính nỗ lực tích cực, chủ động, tự giác trong hoạt động học tập: chủ động tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để vận dụng vào thực tế; đạt chuẩn kiến thức, năng lực, nhất là kỹ năng thực tiễn theo chuẩn đầu ra, đủ khả năng làm chủ các hành vi của bản thân sau khi ra trường. Do đó, các nhà trường phổ thông cần chú trọng đổi mới phương pháp học của học sinh theo hướng kết hợp tiếp thu kiến thức trên lớp với tự học, tự trau dồi nghiên cứu; tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành tập bài gắn với thực tiễn, làm cho học sinh có khả năng tự học ngày càng cao, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Qua đó phát triển năng lực tư duy, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Để đạt hiệu quả cao, nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo cần chú trọng các yếu tố bảo đảm; trong đó, đảm bảo vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo được quan tâm hàng đầu.
Cuối cùng, “đánh giá thực chất” là đánh giá quá trình học tập của học sinh khách quan, trung thực, đúng trình độ, năng lực. Các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường phổ thông tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, từ quy trình, chương trình, nội dung đến chất lượng giảng dạy, tình hình khai thác, sử dụng thiết bị dạy học… Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; trọng tâm là nâng cao chất lượng đề thi, kiểm tra; thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo. Quá trình triển khai, các nhà trường cần yêu cầu các tổ chuyên môn tổ chức chặt chẽ khâu ra đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi, đảm bảo có tính phân loại cao, đánh giá thực chất chất lượng học sinh theo hướng nâng cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn, sử dụng kiến thức tổng hợp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thi và kiểm tra; lắp đặt hệ thống camera, kết nối các phòng học, phòng thi. Các nhà trường cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt để cán bộ, giáo viên, học sinh thấy rõ vị trí, ý nghĩa của việc dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thực chất; chủ động ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, chạy theo thành tích mà không chú ý đến chất lượng, thương mại hóa giáo dục. Với các biện pháp đồng bộ, ban giám hiệu nhà trường cũng cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, xây dựng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh động cơ đúng đắn, đề cao trách nhiệm trong quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, học tập…
Tóm lại, phương châm “3 thực chất” – dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất – không chỉ là phương châm, mà phải trở thành phong trào hành động sôi nổi, tự giác trong toàn ngành giáo dục, tạo động lực thúc đẩy quá trình giáo dục, đào tạo phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Để thực hiện thành công phương châm “3 thực chất”, ngành giáo dục rất cần các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng nâng cao chất lượng và tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
TS. Nguyễn Văn Công
(Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)