Ngày 26-10, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với các sở, ngành nghe báo cáo tổng thể nguồn vốn đầu tư 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: A.Khánh |
Vốn ngân sách chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu
Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Hoa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP – cho biết: Hiện tổng vốn đầu tư công, phân loại theo 7 chương trình đột phá gồm: chương trình nâng cao nguồn nhân lực (441 dự án); chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng (251 dự án); chương trình cải cách hành chính (52 dự án); chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (404 dự án) và chương trình giảm ngập nước (161 dự án); chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị (19 dự án). Còn các chương trình, dự án khác theo nguồn vốn phân cấp quận – huyện, nguồn phân cấp chung thu từ tiền sử dụng đất là 245 dự án. Tuy nhiên, khi cân đối nguồn vốn ngân sách của TP chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu.
“Để đáp ứng nguồn vốn cho các chương trình đột phá, cần các nguồn vốn từ xã hội hóa, kích cầu và từ các tổ chức tài chính. Có 92 dự án đang trong quá trình thẩm định và 73 dự án thuộc các lĩnh vực khác, sở sẽ tổ chức họp nhằm kết nối các sở ban ngành với các nhà đầu tư. Như vậy, mới giảm bớt được nguồn ngân sách cho Nhà nước”, bà Hoa nói.
“Quan điểm của cá nhân tôi, nếu được, sắp tới sẽ không đầu tư mua xe công mà thuê xe. Không phải mua xe, không phải bảo trì mà chỉ phải trả tiền thuê xe nên sẽ tiết kiệm được chi phí. Đồng thời, chúng ta tính toán tới hình thức thuê các trang thiết bị điện tử. Vì một thời gian là những thiết bị này sẽ lạc hậu nếu mua mới sẽ rất lãng phí. Cần phải thực hành tiết kiệm”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.“Quan điểm của cá nhân tôi, nếu được, sắp tới sẽ không đầu tư mua xe công mà thuê xe. Không phải mua xe, không phải bảo trì mà chỉ phải trả tiền thuê xe nên sẽ tiết kiệm được chi phí. Đồng thời, chúng ta tính toán tới hình thức thuê các trang thiết bị điện tử. Vì một thời gian là những thiết bị này sẽ lạc hậu nếu mua mới sẽ rất lãng phí. Cần phải thực hành tiết kiệm”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. |
Giám đốc Sở Tài chính TP Phan Thị Thắng đề nghị các sở, ngành cần tính toán chính xác cơ cấu các nguồn vốn. Bởi thời gian gần đây nhiều đơn vị tách vốn ngân sách riêng với vốn dự án BT, ODA. Song, bản chất vốn dự án BT, ODA là Nhà nước phải trả lại bằng đất hay dùng tiền ngân sách để trả.
Tập trung kêu gọi đầu tư từ xã hội
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan bộc bạch: “Quan điểm cá nhân tôi là giảm tối đa chi ngân sách cho đầu tư công và tập trung kêu gọi đầu tư từ xã hội. Trong đó, ngân sách cho y tế và GD-ĐT cần phải được đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, bởi có nhiều dự án của hai lĩnh vực này đầu tư công không hiệu quả nhưng tư nhân họ lại làm rất tốt. Do đó, chỗ nào “yếu” thì mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa”.
“Quốc hội đang họp bàn về ngân sách, TP cũng họp để tìm giải pháp. Rất mong TW “thấu” được những cái khó của TP.HCM để hỗ trợ TP có điều kiện phát triển, cũng là thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước”, ông Hoan tha thiết.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trước tình hình khó khăn về ngân sách, dẫn đến việc giảm điều tiết về TP (từ 23% giảm còn 18%), lãnh đạo TP.HCM sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư… xin giảm điều tiết với mức 2% và được giữ lại 21%.
Để ứng phó với tình hình mới, ông Tuyến yêu cầu các sở ban ngành sửa đổi, bổ sung nội dung 7 chương trình đột phá hiện có, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ ngân sách sang xã hội hóa; đồng thời tham mưu UBND TP về tìm các nguồn vốn, các giải pháp tạo nguồn vốn, gắn liền với tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát. “Phải có giải pháp để một đồng vốn ngân sách bỏ ra, phải có thêm tối thiểu 11 đồng vốn xã hội, thậm chí phải phấn đấu thu hút được 15 đồng vốn xã hội”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng, trước mắt cần đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT và y tế vì TP có điều kiện thực hiện và Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. Đơn cử như ở quận 1 có rất nhiều trường đáp ứng được tiêu chí tự chủ tài chính. Nếu chuyển sang hình thức này, ngân sách sẽ giảm gánh nặng trả lương, không có tình trạng chạy trường, dạy thêm học thêm, đời sống giáo viên được nâng cao…
An Khánh
Bình luận (0)