Trẻ tham gia trò chơi ngoài trời
|
Vừa qua, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã tổ chức Hội thảo sơ kết 3 năm thực hiện bộ chuẩn phát triển (BCPT) trẻ 5 tuổi, hỗ trợ chương trình giáo dục mầm non (MN).
BCPT trẻ 5 tuổi mang tính hệ thống, gồm các lĩnh vực: Phát triển thể chất, tình cảm, ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức. Đây là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chăm sóc, giáo dục; lựa chọn và điều chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục cho phù hợp với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Một số khó khăn khi thực hiện
Sau 3 năm triển khai, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đã nắm được nội dung bộ chuẩn, cách lựa chọn các chỉ số để đánh giá trẻ, xây dựng được bộ công cụ theo dõi sự phát triển của trẻ, xây dựng kế hoạch giáo dục kết hợp với nội dung chương trình, lập và điều chỉnh kế hoạch giáo dục dựa trên theo dõi, quan sát trẻ trong sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên, do BCPT trẻ 5 tuổi “ra đời” sau chương trình giáo dục MN, vì thế các trường còn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo Phòng Giáo dục MN, tài liệu bộ chuẩn và hướng dẫn thực hiện theo công văn 481 của Bộ GD-ĐT ban hành vào học kỳ II năm 2011 đã khiến các trường khó triển khai thực hiện trong năm học 2010-2011. Điều này bắt buộc giáo viên phải tự xác định, minh chứng cho các mục tiêu trong quá trình xây dựng bộ công cụ; đặc biệt là phần xây dựng bộ công cụ theo dõi, đo để đánh giá sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó một số nội dung không phù hợp cho thời điểm đầu năm vì thế việc lựa chọn các chỉ số theo dõi sự phát triển của trẻ 5 tuổi phải cần đến trình độ của một giáo viên có kinh nghiệm, nếu không lượng được sức trẻ thì sẽ dẫn đến việc dạy đi dạy lại. Chưa kể một số nội dung chương trình không có trong bộ chuẩn và ngược lại, khiến giáo viên tốn thời gian so dò đối chiếu. Và trong chương trình giáo dục MN có 5 lĩnh vực phát triển thì trong bộ chuẩn chỉ có 4 lĩnh vực, thiếu lĩnh vực phát triển thẩm mỹ khiến giáo viên lúng túng lựa chọn lĩnh vực này.
Trường MN 19-5 Thành phố (Q.1) được đánh giá thực hiện khá hiệu quả BCPT trẻ 5 tuổi. Theo đó, trường đã xây dựng được bộ công cụ phù hợp để theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mẫu giáo, có tính ứng dụng thực tiễn cao, giúp giáo viên nảy sinh nhiều ý tưởng cho các hoạt động học tập, vui chơi, khám phá ở trẻ… Tuy nhiên, trường cũng gặp khó khăn trong việc chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân là do bộ chuẩn ra đời từ năm 2011 nhưng chưa xây dựng hoàn chỉnh bộ công cụ đánh giá, quy trình xây dựng bộ công cụ chiếm nhiều thời gian, sĩ số trẻ 1 lớp còn nhiều khiến giáo viên mất nhiều thời gian khi đo các chỉ số.
Còn tại Trường MN Thành phố, việc thực hiện đã thực sự đi vào nề nếp, thông qua BCPT trẻ 5 tuổi, giáo viên có cơ hội tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực sư phạm, song có nhiều khó khăn mà trường cũng không tránh khỏi. Cô Đinh Thị Ngọc Thảo (giáo viên của trường) cho biết: “Bước đầu giáo viên chưa linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm, hình thức để đưa ra các chỉ số vào kế hoạch giáo dục. Một số phụ huynh còn tâm lý lo lắng việc đánh giá khả năng của trẻ nên chưa phối hợp tốt với giáo viên trong việc theo dõi chính xác khả năng của trẻ…”.
Công cụ hỗ trợ thực hiện chương trình
Sau 3 năm thực hiện, Trường MN 19-5 Thành phố đã rút ra được những kinh nghiệm, đó là lãnh đạo nhà trường phải theo sát và trực tiếp tham gia xây dựng bộ công cụ với giáo viên thì công việc mới khả thi và hiệu quả. Chính giáo viên thiết kế, xây dựng và sử dụng bộ công cụ sẽ dễ dàng nhận thấy được ưu, khuyết điểm để từ đó có thể điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó cần có sự phân công hợp tác thực hiện của cả khối thì bộ công cụ sẽ hoàn thành nhanh chóng, tính phổ biến thống nhất cao, việc thực hiện cách đo sẽ đồng nhất, dễ tiến hành, dễ kiểm tra, đánh giá.
Trong khi đó ở Trường MN Bé Ngoan, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu giáo viên cần xác định, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá trẻ theo bộ chuẩn. Từ đó nhà trường đã tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên.
Trước các kết quả đạt được cũng như những khó khăn mà các trường gặp phải khi thực hiện, lãnh đạo Phòng Giáo dục MN cho rằng các trường nên nhìn nhận lợi ích quan trọng nhất của BCPT trẻ 5 tuổi là hỗ trợ thực hiện chương trình. Khi triển khai, nên đặt trọng tâm vào việc bổ sung điều chỉnh kế hoạch giáo dục, lập ngân hàng hoạt động giáo dục để hình thành các chỉ số của chuẩn. Đặc biệt, giáo viên phải có thêm thời gian, kỹ năng thực hiện phần đo, đánh giá, ghi kết quả. Bên cạnh đó, phòng cũng đưa ra những kiến nghị lên Bộ GD-ĐT.
“Phần đo, đánh giá sự phát triển của trẻ Bộ GD-ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa bởi đây là công việc phức tạp. Tiếp tục nghiên cứu cách ghi chép, thu thập thông tin từ trẻ; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ số phù hợp với chuẩn, lĩnh vực phát triển, mức độ nhận thức, khả năng của trẻ, hạn chế tối đa những chỉ số mang tính định tính; ban hành bộ công cụ theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi”, bà Trương Thị Việt Liên, Phó trưởng phòng Giáo dục MN, cho biết.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Phương hướng triển khai BCPT trẻ 5 tuổi trong thời gian tới tại TP.HCM như sau: Kết hợp bộ chuẩn vào hỗ trợ chương trình; bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện ngân hàng các hoạt động giáo dục sáng tạo theo các lĩnh vực của bộ chuẩn; thực hiện thí điểm đo các chỉ số, đánh giá sự phát triển của trẻ tại một số trường MN. |
Bình luận (0)