Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực hiện Chỉ thị 16 cho thực chất, hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những hạn chế của TP thời gian qua khi thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 của UBND TP đó là sự hiểu chưa đầy đủ, thực hiện chưa nghiêm nên kết quả đạt được chưa đồng bộ, chưa như mong muốn. Lần này phải tập trung cao độ, toàn lực để thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để đạt mục tiêu phấn đấu sau 15 ngày có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh.


Chiều 9-7, TP.HCM họp trực tuyến triển khai phát động thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Công văn số 2279 và kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh: TTBC)

Ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã nêu vấn đề này tại buổi họp trực tuyến họp triển khai phát động thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8-7-2021 của UBND TP.HCM về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP, diễn ra chiều 9-7.

Tham dự buổi họp còn có ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP và đại diện các sở ngành, địa phương.

“Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”

Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP đã trình bày dự thảo Kế hoạch thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8-7-2021 của UBND TP với  tên gọi “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”.

Theo đó, mục tiêu của phong trào thi đua là vận động toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị cùng chính quyền TP thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đợt thi đua này phải mạnh mẽ, TP.Thủ Đức và các quận huyện triển khai phong trào thi đua đến các cơ sở để vận động người dân tham gia. Cùng với đó là ứng ụng công nghệ số trong theo dõi tình hình phòng chống dịch bệnh.

Đối tượng tham gia thi đua là nhóm khu phố, ấp; phường xã, thị trấn; TP.Thủ Đức và các quận huyện. Nội dung là tham gia thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và các biện pháp phòng chống dịch mà Ban Chỉ đạo TP triển khai thực hiện, thời gian kể từ ngày 9 đến 23-7.

Theo ông Lâm Đình Thắng, “Xanh hóa bản đồ Covid- 19” là giảm mức độ nguy cơ từ nguy cơ rất cao xuống nguy cơ cao và trạng thái bình thường mới. Hoạt động thi đua hiệu quả thực chất để giảm F0, đưa TP về mức bình thường mới.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết, Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP với mục đích điều phối công tác xét nghiệm đáp ứng yêu cầu phát hiện nhanh, kịp thời kiểm soát chặt các ca bệnh, các ổ dịch không lây lan ra cộng đồng, góp phần chặn đứng, đẩy lùi kiểm soát được dịch bệnh.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm phải tập trung, đi vào trọng tâm, trọng điểm địa bàn, khu vực, đối tượng lấy mẫu, đảm bảo mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở người dân, người lao động ở tất cả các quận huyện, TP.Thủ Đức. Trong đó tập trung lấy mẫu cho người dân theo nguyên tắc ưu tiên khu vực cách ly, phong tỏa, các khu chế xuất – khu công nghiệp, các quận huyện có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Đối với các trường hợp F0, F1 thì thực hiện lấy mẫu đơn tại các khu vực, địa điểm cách ly phong tỏa và sử dụng test nhanh để phân loại, sau đó tiến hành lấy mẫu PCT. Tại các khu vực giáp ranh với khu vực trọng điểm cách ly, phong tỏa thì thực hiện mẫy gộp 10. Các khu vực cách ly phong tỏa tổ chức lấy mẫu gộp hàng ngày, phân tích tình hình các ca F0, F1 để xác định nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.

Với việc lấy mẫu ở các hộ gia đình hoặc các hộ lân cận phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm tiết kiệm nhưng không để sót, lọt. Tổ chức xét nghiệm nhanh với tần suất 3 ngày/lần đối với những đối tượng nhân viên siêu thị, nhà thuốc tây, tiểu thương tại các chợ truyền thống, nhân viên giao hàng ,… được phép hoạt động trong thời gian TP thực hiện Chỉ thị 16, đảm bảo an toàn và đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu. Ông Châu lưu ý, khi phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 dù chỉ là kết quả xét nghiệm sàng lọc thì các địa phương phải thông báo ngay đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch cùng với địa phương.

Từng người dân cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Phát biểu tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá các quận huyện, TP.Thủ Đức đã có sự tập trung chuẩn bị triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực quận huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục hết sức tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn. Có kế hoạch cụ thể, chi tiết triển khai đến cơ sở, từng khu phố, tổ dân phố, từng hộ gia đình và người dân.

Theo ông Mãi, một trong những hạn chế của chúng ta thời gian qua khi thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 của UBND TP đó là sự hiểu chưa đầy đủ, thực hiện chưa nghiêm nên kết quả đạt được chưa đồng bộ, chưa như mong muốn. Lần này phải tập trung cao độ, toàn lực để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu sau 15 ngày có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Lưu ý, trong quá trình triển khai Chỉ thị 16 chắc chắn có chệch choạch trong ngày đầu như vấn đề về giao thông, cung ứng hàng hóa, an ninh trật tự… thì các đơn vị cần quan tâm, không để tạo ra những tình huống mới, đảm bảo kiểm soát được tình hình và thực hiện Chỉ thị 16 cho thật nghiêm.

“Các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện và đảm bảo trên thực tế từng người, từng hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong thời gian 15 ngày”- ông Mãi nhấn mạnh.


Từng người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 là cách chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Liên quan đến Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP, ông Mãi đề nghị các đơn vị nghiên cứu kế hoạch xét nghiệm của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, hướng dẫn của Sở Y tế trong 15 ngày tới. Ở đây có sự thay đổi căn bản mục tiêu xét nghiệm là cơ bản tầm soát các F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng các vùng an toàn, thu hẹp dần tiến tới xóa vùng nguy cơ cao.

“Để đạt mục tiêu này, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở các vùng đã được phân chia mức độ nguy cơ. Việc đi lấy mẫu phải gắn liền với năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động xây dựng kế hoạch, địa điểm, số lượng xét  nghiệm và lực lượng tham gia và kết nối với cơ sơ xét nghiệm”, ông Mãi nói.

Về thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8-7-2021 của UBND TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, mục tiêu của TP là 15 ngày kiểm soát được tình hình dịch bệnh nên việc thi đua là một biện pháp bổ trợ cho hoạt động phòng chống dịch của TP chứ không phải là hình thức. Vì vậy trong nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của lãnh đạo các cấp thực hiện phải thực chất, hiệu quả.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)