Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực hiện Chỉ thị 16: Phạt cao nhất 3 triệu đồng nếu ra đường khi không cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Chỉ thị 16, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, khẩn cấp hoặc đi làm đối với ngành, nghề được hoạt động bình thường. 
Người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, khẩn cấp hoặc đi làm đối với ngành, nghề được phép hoạt động bình thường. /// ảnh: Ngọc Dương
Người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, khẩn cấp hoặc đi làm đối với ngành, nghề được phép hoạt động bình thường. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Hôm nay (9.7), TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9.7.
Theo đó, tinh thần chung của Chỉ thị 16 là thực hiện giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố – tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố – tổ nhân dân; khu phố – ấp cách ly với khu phố – ấp; xã – phường – thị trấn cách ly với xã – phường – thị trấn; quận – huyện và TP.Thủ Đức cách ly với quận – huyện và TP.Thủ Đức.
Các dịch vụ ăn uống mang về, đại lý vé số và người bán vé số dạo trên địa bàn phải tạm ngưng.
Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh người dân chỉ ra đường khi cần thiết. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.
Theo luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), căn cứ Điều 12 Nghị định 117/2020, người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng do “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Việc không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 m nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt 1 – 3 triệu đồng do vi phạm điều khoản trên. 
Bên cạnh đó, luật sư Hùng cho biết, người dân tập trung quá 2 người (theo Chỉ thị 16) nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính 10 – 20 triệu đồng/người.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nếu không tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu để phòng chống dịch sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, theo Nghị định 117/2020 gồm: chủ tịch UBND cấp xã (xử phạt đến mức 5 triệu đồng), Chủ tịch UBND quận/huyện/TP, Chánh thanh tra Sở Y tế, trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng công an cấp tỉnh…
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7, trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT TP.HCM, lực lượng công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp người dân được ra ngoài
Theo Chỉ thị 16, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.
Khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.
Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM chuyển sang phương thức làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Các cuộc họp tại cơ quan công sở phải dừng triệt để; chỉ duy trì các cuộc họp chống dịch, cuộc họp để xử lý vấn đề cấp bách của đơn vị, khi tổ chức không quá 10 người tham dự.
Số lượng người làm việc tại công sở không quá 1/3 người lao động. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo quân số 100%, và các đơn vị đặc thù gửi Sở Nội vụ và do UBND quyết định.
Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.
Luật Giá 2014

Theo Phan Thương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)