Mời giáo viên (GV) thỉnh giảng từ phía trường bạn, liên hệ với các viện ngôn ngữ, trung tâm ngoại ngữ chuẩn bị sẵn GV ngoại ngữ 2, thậm chí ban giám hiệu sẵn sàng tăng tiết để đảm bảo nguồn GV, thỉnh giảng cả GV tiểu học… là những phương án “nhân sự” được các trường THCS tại TP.HCM chủ động xây dựng, đảm bảo đủ nguồn GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại đơn vị trong năm học tới.
Trường THCS tại TP.HCM chủ động nguồn GV cho chương trình mới. Trong hình: Học sinh lớp 6, Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) trong tiết học công nghệ
Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT 2018 được cuốn chiếu thực hiện ở bậc lớp 6. Tuy nhiên, chương trình mới đặt ra thêm nhiều yêu cầu về số lượng GV ở nhiều bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, ngoại ngữ 2…
Mời cả GV tiểu học thỉnh giảng
Năm học 2021-2022, Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dự kiến sẽ tuyển 9 lớp 6. Theo tính toán, đến thời điểm này nhà trường còn thiếu đến 12 GV ở các bộ môn, chủ yếu ở tiếng Anh (3 GV), toán, mỹ thuật và âm nhạc…
Cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, âm nhạc và mỹ thuật là 2 bộ môn khó tuyển dụng nhất, nếu có tuyển được thì GV chỉ dạy vài ba tháng là lại bỏ. Trong khi đó, với chương trình mới thì 2 môn học này được gọi là môn nghệ thuật và thuộc danh mục các môn học bắt buộc, bao gồm cả tin học.
“Có thời điểm một năm nhà trường phải tuyển vài ba lần vì tuyển xong rồi dạy được vài ba tháng là GV nghỉ. Lương trong trường chỉ vài triệu nhưng ra làm ngoài được những 8 triệu đồng. Ngoài bất cập về lương khiến nguồn tuyển khó, một điều nữa khiến công tác tuyển dụng GV 2 bộ môn này khó là vì sinh viên ra trường chủ yếu là CĐ, chưa đủ điều kiện tuyển dụng theo Luật Giáo dục 2019”.
Chủ động nguồn cung GV cho chương trình mới, cô Liên đã tìm hiểu GV các trường bạn và lên phương án… mời GV thỉnh giảng ở các bộ môn còn thiếu, thậm chí có bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật sẽ phải mời đến 3 GV thỉnh giảng. Theo cô Liên, thông thường mỗi GV sẽ có 19 tiết nghĩa vụ, GV chỉ cần thực hiện đủ số tiết nghĩa vụ tại trường công tác là đủ điều kiện thỉnh giảng trường bạn. “Nhà trường luôn ưu tiên chọn GV giỏi, cứng tay nghề cho chương trình mới. Vì vậy, mặc dù thỉnh giảng nhưng không phải chỉ để cho có đủ mà đội ngũ GV cũng sẽ phải đảm bảo cứng tay nghề, được bồi dưỡng, tập huấn bài bản…”.
Tại Q.1, do đã thực hiện dạy tin học từ năm lớp 6 từ nhiều năm nay nên khi triển khai chương trình mới, địa phương này không lo thiếu GV ở bộ môn tin. Các bộ môn còn lại như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, tiếng Anh, theo thống kê đây là những bộ môn mà các trường THCS đang gặp khó trong việc đảm bảo nhân sự. “Ví dụ như môn âm nhạc, mỹ thuật, toàn quận có 3 trường THCS thiếu, phải mời cả GV tiểu học có đủ trình độ ĐH để về giảng dạy. Với bộ môn công nghệ, toàn trường chỉ có 1 GV phải “gánh” cả trường song vẫn phải thỉnh giảng thêm cho 1 đơn vị trường khác”, lãnh đạo một trường THCS trên địa bàn Q.1 thông tin.
Phó hiệu trưởng cũng tăng tiết để đảm bảo GV
Một bài toán đau đầu nữa với các cơ sở giáo dục trong tuyển dụng nhân sự là tuyển dụng GV bộ môn tiếng Anh. Theo quy định, để có thể giảng dạy trong các cơ sở giáo dục bậc trung học, người tuyển dụng phải được đào tạo chính quy trong các trường ĐH sư phạm, không chấp nhận văn bằng, chứng chỉ.
“Đối với GV tiếng Anh, hiện nhà trường vẫn đảm bảo đủ nguồn để đứng lớp song chính phó hiệu trưởng nhà trường cũng phải dạy tăng tiết luôn. Vì thế, khi chương trình mới đưa vào triển khai trong năm tới, băn khoăn nhất vẫn là nguồn GV dạy ngoại ngữ 2 vì ngoại ngữ 1 còn chưa tuyển đủ thì làm sao sắp xếp được ngoại ngữ 2. Với bộ môn khác như hoạt động trải nghiệm thì nhà trường có thể sắp xếp được”, cô Kiều Nguyệt Hương Liên tâm tư.
Trong khi đó, Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) lại có phương án “tự chủ động” nguồn GV lớp 6 thực hiện chương trình mới từ chính đơn vị mình. Bằng cách sớm định hướng, nhìn nhận và “dồn lực” cho chương trình mới, nhà trường đã sắp xếp đủ số lượng và cử GV đi học, tập huấn, bồi dưỡng, sẵn sàng bước vào triển khai chương trình. “Hiện nay, tất cả các bộ môn thực hiện chương trình mới nhà trường đều đảm bảo đủ từ chính nguồn GV của trường. Chỉ riêng GV ngoại ngữ 2 thì do đây là bộ môn hoàn toàn mới, trường đã liên hệ với các trung tâm ngoại ngữ được sự thẩm định về chuyên môn của Sở GD-ĐT để đặt vấn đề về GV dạy tiếng Đức, Hàn, Nhật”, thầy Nguyễn Minh Trí (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Thông tin về công tác chuẩn bị GV thực hiện giảng dạy chương trình mới ở bậc lớp 6 năm học tới, thầy Dương Hữu Đức (Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, Q.Gò Vấp), cho hay nhà trường đã được Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp hướng dẫn từ lâu nên không gặp khó khăn gì về GV ở các bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật. Song, thực sự gặp khó với GV dạy ngoại ngữ 2 và GV tin học. “Trường đang tính toán đến việc phân một số GV dạy ngoại ngữ 1 là tiếng Anh trong trường đã đạt yêu cầu về ngoại ngữ 2 để đứng lớp. Tuy nhiên, điều này còn phải chờ xin thêm ý kiến. Đối với GV dạy bộ môn hoạt động trải nghiệm, trường sẽ phân công trực tiếp cho GV chủ nhiệm thay cho giờ sinh hoạt chủ nhiệm trước đây. Còn GV tin học, nhà trường dự định sẽ hợp đồng thỉnh giảng với trung tâm tin học để đảm bảo đủ nguồn GV, đáp ứng yêu cầu các bộ môn của chương trình mới”…
Trước những khó khăn của các đơn vị về nguồn GV chuẩn bị cho chương trình mới, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, đối với GV tiếng Anh và GV ngoại ngữ 2, sở đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT để gỡ khó cho các trường. Sắp tới đây, bộ sẽ ban hành thông tư về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để bồi dưỡng sinh viên các trường ĐH ngoại ngữ khác ngoài sư phạm có thể tham gia tuyển dụng ở vị trí GV ngoại ngữ, đặc biệt là các ngoại ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Đức, Pháp mà ĐH sư phạm không đủ số lượng cung ứng cho các trường. “Vì thế, giảng dạy ngoại ngữ 2 là vấn đề rất khó khăn. Mỗi tuần sẽ có 2 tiết ngoại ngữ 2 thì tùy điều kiện từng trường có thể áp dụng linh hoạt. Tuy nhiên, các trường cũng có thể cân nhắc thêm giải pháp: Ở các trường có chương trình nhà trường, tổ chức giảng dạy theo nhu cầu người học, tách nhóm học sinh dạy riêng theo nhu cầu học ngoại ngữ khác”.
Đối với các bộ môn khác như âm nhạc, mỹ thuật, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhận định, các trường có thể tuyển dụng thêm nghệ nhân, nghệ sĩ theo hợp đồng thỉnh giảng để hỗ trợ học sinh bổ sung lượng kiến thức và theo đuổi các sở thích của bản thân, giúp các em phát triển tầm nhìn toàn diện. “Tất cả GV chuẩn bị dạy lớp 6 phải được tham gia bồi dưỡng, đặc biệt nghiên cứu thật kỹ Module 1 về chương trình tổng thể, Module 2 về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nghiên cứu các bộ SGK phiên bản điện tử mà bộ đã phê duyệt, để chuẩn bị sẵn sàng tinh thần thực hiện tốt chương trình mới”, ông Hiếu lưu ý.
Hoàng Hải Yến
Bình luận (0)