Học sinh THCS ở TP.HCM học theo tài liệu dạy học do Sở GD-ĐT TP biên soạn
Trong buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM – ngày 27-12), ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQLGD – trả lời các câu hỏi liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ GV triển khai CTGDPTM cho biết: Bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho GV lớp 1, sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình và việc bồi dưỡng theo “chuẩn nghề nghiệp”, ứng dụng bài giảng đã được “số hóa” và thông qua mạng. GV chủ yếu sẽ tự học. Như vậy có thể hiểu là kể từ năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021; năm 2020 sẽ bồi dưỡng cho GV dạy lớp 2 năm học 2020-2021… và tương tự như vậy với lộ trình triển khai với cấp THCS và THPT.
Những vấn đề cần quan tâm
Khi đứng lớp giảng dạy, dù được nhà trường phân công dạy ở khối lớp nào thì nhà giáo cũng phải nắm chặt chương trình toàn cấp. Vì có nắm vững chương trình toàn cấp, người GV có thể định hướng nội dung giảng dạy của mình phù hợp với mạch kiến thức của bộ môn trong toàn cấp học. GV dạy lớp dưới phải hiểu được những kiến thức mình truyền thụ sẽ làm nền tảng cho những nội dung nào HS sẽ được học ở các lớp trên. GV dạy lớp trên phải biết những nội dung nào HS đã được học ở lớp dưới. Vậy nếu theo lộ trình triển khai bồi dưỡng như trên thì ai được bồi dưỡng lớp nào sẽ dạy hoài khối lớp ấy – điều này có ảnh hưởng đến sự phân công giảng dạy của nhà trường hay không? Và có gây tâm lý chủ quan của GV khi biết chắc rằng mình sẽ dạy một khối lớp trong thời gian dài? Khi có một GV phải nghỉ dài hạn (như nghỉ hộ sản) thì ai là người thay thế?… Ngoài ra khi hết lộ trình bồi dưỡng, tức là hoàn tất triển khai chương trình mới, lại phải “tái bồi dưỡng” cho những GV có thay đổi khối lớp phụ trách?
Việc bồi dưỡng GV thời gian qua chắc là GV trong nghề ai cũng biết là nội dung và hình thức bồi dưỡng thời gian qua thật sự có hiệu quả chưa cao. Nay với hình thức “bồi dưỡng thông qua mạng” tất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không thể lường hết, trong khi thời gian triển khai chương trình mới không còn nhiều. Có thể đơn cử một số tình huống như sau:
– Khi tham dự bồi dưỡng trực tuyến thông qua mạng, GV dự bồi dưỡng sẽ không được thảo luận và xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, có thể phát biểu trình bày quan điểm của mình, có thể lắng nghe và suy nghĩ dựa trên ý kiến của người khác; thiếu đi điều kiện trao đổi trực tiếp, GV sẽ không thể phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh, như gắn những nội dung kiến thức với những phương pháp cụ thể và liên hệ với những tình huống thực tiễn… Thiếu môi trường trao đổi trực tiếp sẽ thiếu sự tác động tích cực đến nội dung tiếp thu và thống nhất trong toàn bộ GV.
– Bồi dưỡng trực tuyến thông qua mạng đòi hỏi GV phải có một nhận thức và trình độ tin học nhất định – điều này chắc rằng hiện nay rất khó, nhất là đối với các GV ở vùng sâu, vùng xa, GV lớn tuổi, trình độ vi tính còn hạn chế – và bản thân người GV phải có nhu cầu học tập thật sự, tham gia một cách tích cực, với ý thức cầu tiến nghiêm túc; phải có thiết bị công nghệ tương ứng để kết nối lẫn nhau. Ngoài ra, bồi dưỡng trực tuyến sẽ gây khó cho các cấp quản lý trong việc đánh giá kết quả bồi dưỡng để yên tâm rằng khi GV, người trực tiếp triển khai chương trình mới, sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo với ít sai sót nhất, vì trong việc triển khai trên đối tượng là HS – công dân tương lai, người chủ tương lai của đất nước – ta hoàn toàn không có cơ hội để sửa sai.
– Khi tham gia bồi dưỡng trực tuyến, ai có thể bảo đảm rằng GV tập trung cao độ trong suốt thời gian bồi dưỡng.
Về vấn đề bồi dưỡng đội ngũ GV
Thiết nghĩ nên bồi dưỡng cho tất cả GV bộ môn của toàn cấp theo lộ trình. Nghĩa là tất cả GV bộ môn phải được bồi dưỡng nội dung và phương pháp của tất cả các khối lớp trong cấp học. Qua đó, GV sẽ nắm vững chương trình toàn cấp từ đó có thể giảng dạy ở bất cứ khối lớp nào trong cấp học. Việc làm này nhìn chung có nhiều khó khăn do đội ngũ GV khá đông, nhưng không phải khó khăn là có thể tìm cách để bỏ qua mà phải tìm cách để vượt qua. Có thể thực hiện theo cách: Những GV được nhà trường chủ ý phân công dạy lớp nào của khối lớp trong cấp học sẽ được bồi dưỡng toàn bộ nội dung của giáo trình bồi dưỡng, những GV giảng dạy các khối lớp khác cũng phải dự bồi dưỡng những vấn đề trọng tâm nhất để tất cả GV trong cấp học ai cũng có tư thế sẵn sàng giảng dạy bất kỳ khối lớp nào trong toàn cấp học.
Bồi dưỡng trực tiếp qua mạng
Không thể phủ nhận trong thời đại ngày nay việc tổ chức học tập trực tuyến có nhiều ưu thế như: Có thể học tập mọi lúc, mọi nơi; kiến thức được truyền đạt nhanh chóng và chính xác; tiết kiệm được thời gian và không gian học tập; giảm được nhiều chi phí tổ chức… Tuy nhiên, như đã trình bày trên, việc triển khai bồi dưỡng qua mạng chưa thật sự an tâm về chất lượng. Có thể nên tổ chức kết hợp được cả việc bồi dưỡng trực tuyến và bồi dưỡng trực tiếp tập trung thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Có thể như:
– Những vấn đề chung về chương trình tổng thể, kế hoạch giáo dục, định hướng về nội dung, điều kiện thực hiện… có thể bồi dưỡng trực tuyến để tất cả GV có cách tiếp cận chương trình mới một cách chính xác và đồng bộ trên cả nước.
– Về chương trình, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá cụ thể cho từng môn học nên kết hợp 2 hình thức để GV có thể trao đổi, đi sâu phân tích từng nội dung cụ thể, thậm chí từng đơn vị kiến thức cụ thể để thống nhất phương pháp tiến hành phù hợp với thực tế của địa phương và điều kiện thực tại của nhà trường.
– Riêng với phần nội dung giáo dục của địa phương nên thông qua hình thức bồi dưỡng trực tiếp để đội ngũ GV – người trực tiếp giảng dạy – thống nhất những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, qua đó giáo dục tốt tư tưởng, tình cảm của HS.
Vì mục đích thực hiện thành công CTGDPTM với mục tiêu quan trọng bậc nhất là vì sự phát triển của HS, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo giúp GV có được sự làm việc trực tiếp và tương tác sâu với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục, qua đó nâng cao nhận thức tích cực đồng thời là những người hợp tác, đồng thiết kế và là những người thực hiện, triển khai các ý tưởng từ chương trình vào trong thực tế lớp học. Được vậy, việc triển khai CTGDPTM chắc sẽ thành công.
Trần Đăng Huy (Cần Thơ)
Bình luận (0)