Sự kiện giáo dụcTin tức

Thực hiện Chương trình hành động 42: Ngành GD-ĐT còn gặp một số vướng mắc

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đã có buổi giám sát Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác triển khai, thực hiện Chương trình hành động 42 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 25 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại đây, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn báo cáo: “Qua tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện Chương trình hành động 42 của Thành ủy, Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tự nguyện của thanh niên. Bên cạnh đó cũng nâng cao trách nhiệm của chính quyền đối với công tác thanh niên. Qua đó các đơn vị đã tập trung hơn trong công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cụ thể Sở GD-ĐT đã bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý ở các trường THPT trưởng thành từ phong trào Đoàn, trợ lý thanh niên như Trường Gò Vấp, Trường Chinh, Bình Chánh, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Long Trường, lúc bổ nhiệm có người mới 26 tuổi. Ở cơ quan sở cũng đã bố trí 3 trưởng phòng trẻ, trong đó có 1 nữ… Song song, ngành GD-ĐT tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, công chức gắn bó hơn với nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, nhiều giáo viên trẻ sẵn sàng đến công tác tại vùng sâu, vùng xa. Lãnh đạo ngành GD-ĐT và các thầy, cô giáo luôn ý thức được việc phải phát triển toàn diện cho học sinh, dạy chữ và dạy người luôn được thực hiện đồng thời, góp phần đào tạo một thế hệ thanh niên tốt, năng động, sống có ích…”.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình, ngành GD-ĐT gặp không ít khó khăn. Cụ thể như việc phân công công tác tổng phụ trách Đội (trường tiểu học, THCS) và trợ lý thanh niên (trường THPT). Bởi, “nhiều giáo viên không muốn làm công tác Đoàn”, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên Sở GD-ĐT TP cho biết. Cũng theo ông Huy, việc tổ chức các hoạt động phong trào của Thành đoàn, quận/huyện đoàn còn vướng vào thời gian học sinh ôn thi hoặc thi học kỳ nên ít nhiều bị ảnh hưởng.
Công tác kết nạp Đảng ở các trường THPT cũng gặp một số trở ngại dẫn đến tỷ lệ học sinh được kết nạp Đảng còn thấp. Đại diện Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bức xúc: “Nhiều học sinh trong trường được cử tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, hoàn tất lý lịch nhưng khi trường gửi hồ sơ lên Quận ủy Q.5 đề nghị kết nạp thì họ không đồng ý với lý do em này còn thiếu 3 ngày mới đủ 18 tuổi (theo quy định thì 18 tuổi trở lên mới được kết nạp Đảng – PV). Nhà trường đã chuyển hồ sơ của các em lên trường ĐH – CĐ nơi các em theo học, một số trường thì kết nạp nhưng cũng có trường bắt các em phấn đấu lại từ đầu. Điều này thật thiệt thòi cho các em…”.
Về công tác đào tạo nghề cho thanh niên, ông Huỳnh Minh Trí – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT cũng cho biết: “Mặc dù các trường nghề đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng vẫn chưa thu hút được học sinh. Cụ thể, năm 2009, chỉ tiêu của các trường là 34 ngàn thì chỉ tuyển được trên 30 ngàn học sinh; năm 2010, chỉ tiêu tăng lên 55 ngàn, tuyển được 38 ngàn học sinh”.
Từ những khó khăn này, ông Sơn kiến nghị: “Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh cần có sự phối hợp của tất cả các lực lượng ở địa phương, nếu chỉ ngành GD-ĐT thì khó làm được. Đối với các trường CĐ, trung cấp trực thuộc Sở GD-ĐT, Đoàn thanh niên phải trực thuộc sở để dễ quản lý. Hiện nay có một số đoàn trường thuộc Thành đoàn, một số khác thuộc quận/huyện đoàn quản lý, trong khi đó đảng bộ, chi bộ cơ sở đã thuộc Đảng bộ Sở GD-ĐT quản lý. Đặc biệt, ngành GD-ĐT TP đang tích cực xây dựng các trường chất lượng cao, điều đó yêu cầu giảm sĩ số học sinh/lớp. Tuy nhiên việc đền bù giải tỏa mặt bằng để xây dựng trường lớp theo quy hoạch vẫn còn khó khăn, mong được lãnh đạo thành phố quan tâm hơn…”.
Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Triển – Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM nói: “Chúng tôi ghi nhận tất cả những ý kiến, đề nghị của Sở GD-ĐT TP và sẽ báo cáo lại Thường trực Thành ủy. Qua đó Thành ủy sẽ có biện pháp tháo gỡ và giải quyết”.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)