Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thực hiện điểm sàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một số trường ở TPHCM có nhận thức sai về xét tuyển khi cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều được vào lớp 10 công lập.

Từ năm học 2006-2007, tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức xét tuyển được thực hiện tại 3 huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi. Đến năm học 2011-2012, hình thức này được mở rộng ra các huyện, gồm: Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn và các quận: 2, 6, 9, Thủ Đức, Bình Tân. Các quận, huyện còn lại vẫn tuyển sinh theo hình thức thi tuyển.
Hiểu chưa đúng
Nhiều năm qua, ở các địa bàn tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển, hầu như 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều được gọi vào lớp 10 công lập. Điều rất dễ nhận thấy là những quận, huyện xét tuyển hầu hết nằm ở ngoại thành, vùng ven. Ở những nơi đó, lượng học sinh ít mà trường lớp đều được xây mới, không chỉ bảo đảm đủ mà thậm chí là dư chỗ học.
Tại một hội nghị sơ kết công tác tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển do Sở GD-ĐT tổ chức, bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ), cho biết huyện này có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp THCS đều được vào lớp 10 công lập cả.
Ông Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), cũng cho biết sở giao cho trường 13 lớp 10 trong khi số học sinh lớp 9 trên địa bàn chỉ có 500; trường xin 10 lớp với 450 học sinh; còn 50 học sinh sẽ vào học trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, vậy mà cuối cùng vẫn phải nhận 12 lớp với 540 học sinh. Học sinh hễ cứ nộp hồ sơ là trường nhận, mong sao cho đủ chỉ tiêu.
Học sinh ở TPHCM trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2011 – 2012. Ảnh: TẤN THẠNH
Huyện Củ Chi có đến 7 trường THPT. Nhiều năm qua, số học sinh nhập học thực tế còn ít hơn chỉ tiêu được giao.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết một số trường có nhận thức sai về xét tuyển khi cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều được vào lớp 10 công lập. Xét tuyển là một hình thức tuyển sinh, do đó phải có một lượng học sinh bị “gạt” ra, chuyển sang học trường nghề hoặc học hệ dân lập. Ông Chương gọi xét tuyển mà vào 100% là “lùa” vào chứ không còn là tuyển sinh.
Hạn chế của xét tuyển
Phương án xét tuyển đang bộc lộ những hạn chế cần giải quyết.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), cho biết từ khi thực hiện xét tuyển (năm học 2009-2010), ông đã thấy nhiêu khê và mất nhiều công sức hơn hẳn thi tuyển trước đây. Nếu thi tuyển chỉ mất có 6 ngày là xong mọi khâu thì xét tuyển phải mất đến 6 tuần lễ với nhân sự nhiều hơn. Ông Nghi nói xét tuyển theo địa bàn cư trú thì dân “chạy” hộ khẩu dữ quá. Khu vực quanh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân như phường Trường Thọ trở thành điểm cho người dân nơi khác chạy tới nhập khẩu. Có nhà vài chục mét vuông mà có đến 38 học sinh có hộ khẩu.
Trong khi đó, nếu xét tuyển dựa vào học lực và hạnh kiểm ở cấp THCS thì chỉ cần học lực trung bình, hạnh kiểm khá là học sinh đã có ngay một chỗ ở trường công lập lớp 10. Vì thế, học sinh mất động cơ trong học tập. Nhiều nhà giáo tâm huyết báo động sẽ có nhiều thầy cô ở cấp THCS cũng vì thương học sinh mà dễ dàng trong đánh giá xếp loại học sinh và bản thân họ thì thiếu đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy.
Từ thực tế đó, ông Lâm Triều Nghi đề xuất phương án xét tuyển mới. Đó là xét tuyển bằng bài thi học kỳ 2 năm lớp 9 ở các môn toán, văn, ngoại ngữ; mỗi quận, huyện tự ra đề và sau đó chấm chéo.
Thống nhất phương án xét tuyển

Ngày 6-12, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác xét tuyển vào lớp 10 và thống nhất phương thức xét tuyển năm học 2012-2013. Sau khi xem xét, phương án xét tuyển chung được thống nhất là thực hiện điểm sàn cho 9 quận, huyện đang áp dụng xét tuyển và sẽ thêm quận 12, sau đó sắp xếp học sinh vào các trường THPT theo địa bàn cư trú kết hợp với địa bàn THCS.
Phương án này có ưu điểm là học sinh sẽ được học gần nhà, ít có sự chênh lệch điểm khi trúng tuyển vào các trường THPT.
Hạn chế của phương án này là sẽ xuất hiện tình trạng tạm trú, chuyển hộ khẩu, chuyển trường THCS và do không có sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường THPT nên học sinh sẽ ít cố gắng trong học tập.
Để chuẩn bị tốt cho việc xét tuyển, Sở GD-ĐT đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện phải thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS; đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất, nâng chất lượng đồng đều giữa các trường THCS tạo sự công bằng trong xét tuyển… Những chỉ đạo này được xem là giải pháp nhằm giải quyết những hạn chế của phương thức xét tuyển.
Theo Huy Lân
(NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)