Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thực hiện Luật Đất đai 2014: Trách nhiệm hơn với người sử dụng đất

Tạp Chí Giáo Dục

Luật Đất đai sửa đổi 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7. Hiện nay, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đang ráo riết tổ chức tập huấn phổ biến cho các cấp. Luật mới sẽ bảo vệ người sử dụng đất như thế nào? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, cho biết:

Luật Đất đai năm 2014 ra đời trong bối cảnh còn nhiều vấn đề bức xúc: Thống kê của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, trên 68% khiếu nại có liên quan đến đất đai, trong đó chủ yếu là bồi thường thu hồi đất. Tại TPHCM trong năm 2013, có 85% người dân khiếu nại sai, trong đó cũng có một phần là do Luật Đất đai chưa công khai rõ ràng. Lần này các quy định của Luật Đất đai rõ hơn, việc thu hồi đất sau này chặt chẽ hơn. Trước đây có quy định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, nhưng luật lần này quy định chỉ các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mới thực hiện thu hồi đất.

Luật cũng nêu rõ những dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư phải thu hồi đất; luật cũng quy định khá cụ thể danh mục các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư phải thu hồi đất; đặc biệt các dự án do UBND cấp tỉnh thu hồi đất, nhưng phải có danh sách đã được HĐND thành phố thông qua. Như vậy luật quy định rất rõ ràng nội dung này, đây cũng là nội dung trước đây người dân khiếu nại nhiều.

Chung cư khang trang phục vụ người dân Thủ Thiêm tái định cư.

Ảnh: CAO THĂNG

Một vấn đề lâu nay khi thực hiện bị người dân thắc mắc nhiều là kiểm đếm đo đạc, tính công khai minh bạch trong phương án bồi thường. Đợt này trong luật quy định cũng khá chặt chẽ. Đó là phải có kế hoạch thu hồi đất, quy định rõ về trình tự thủ tục lập phương án bồi thường, đòi hỏi sự chuẩn bị rất chu đáo về các điều kiện để ổn định đời sống cho người dân như tái định cư, tính toán lại phương án ổn định sản xuất sau đó (nếu có).

Nói chung khi thực hiện theo luật mới thì cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp phường xã phải có trách nhiệm cao đối với người dân. Đặc biệt là tính công khai minh bạch, trình tự thủ tục, thậm chí còn có sự tham gia của người dân để lấy ý kiến, điều tra trước khi thu hồi.

– PV: Khiếu kiện lâu nay chủ yếu là giá bồi thường. Tuy luật quy định bồi thường theo giá thị trường, nhưng dường như vẫn chưa nhận được sự hài lòng của người bị thu hồi đất. Thưa ông, với quy định chặt chẽ như luật mới, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào?

>> Ông NGUYỄN VĂN HỒNG: Nguyên nhân là việc thu hồi và giao đất dự án trước đây của chúng ta thiếu sự kiểm soát, không nắm được khả năng tài chính hoặc thực sự đầu tư của nhà đầu tư, chính vì vậy nhiều dự án mang tính đầu cơ. Đặc biệt theo Nghị định 69, cứ sau khi thông báo chủ trương thu hồi đất là thực hiện việc ban hành quyết định thu hồi đất ngay, người dân không có sự chuẩn bị nào cả. Luật lần này quy định chặt chẽ hơn, thủ tục thu hồi đất phải thông qua các cấp thẩm quyền nên đòi hỏi sự minh bạch, nhờ vậy quyền lợi của người sử dụng đất bị thu hồi sẽ được bảo đảm.

Người dân cũng chủ động hơn khi thông tin được rõ ràng để chuẩn bị lo cho cuộc sống tương lai của mình. Đặc biệt luật cũng nhấn mạnh về tái định cư, hướng tái định cư càng gần khu vực bị giải tỏa, tức là khái niệm tái định cư tại chỗ càng tốt. Trên tổng thể, chính quyền phải chăm lo cho hậu bồi thường như sinh sống, đi lại, học hành của người có đất bị thu hồi… chu đáo hơn rất nhiều.

Còn về giá đất, phải chờ nghị định của Chính phủ. Tất nhiên không phải đi thẩm định giá cụ thể cho từng bất động sản trong dự án để bồi thường mà vẫn là giá cụ thể của các khu vực trong dự án theo vị trí cùng mặt tiền có đơn giá giống nhau hoặc hẻm cũng có đơn giá giống nhau.

– Thưa ông, giải quyết khiếu nại của người dân là hệ trọng, trong luật mới quy định nơi tiếp nhận, đối thoại, xử lý hồ sơ cho người dân như thế nào?

Điều này quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại, có hiệu lực từ năm 2012. Việc quy định đối thoại này rất hay, thành phố phải đối thoại với người dân trong từng vụ việc. Thời gian qua việc đối thoại đã giúp người dân hiểu rõ hơn, ghi nhận rõ ràng nguyện vọng của người dân. Mặt khác, đây cũng là kênh để kiểm tra cán bộ về quá trình thực hiện luật… Bản thân tôi từ đầu năm đến nay đã trực tiếp đối thoại với người dân nhiều vụ việc, góp phần giải quyết bức xúc của người dân, đồng thời đôn đốc anh em xử lý vướng mắc kịp thời cho người dân.

– Cảm ơn ông!

LƯƠNG THIỆN thực hiện

(SGGP)

Bình luận (0)