Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thực hiện một kỳ thi quốc gia: Cần thêm thời gian

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục đã thực hiện đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự thay đổi ấy vừa thực hiện được một năm chưa thể đánh giá được gì thì nay lại thay đổi tiếp. Theo tôi, nên chăng chúng ta giữ nguyên kỳ thi này thêm 1 hoặc 2 năm nữa để có cơ sở đánh giá cái được, cái chưa được; đồng thời khoảng thời gian này cũng là để chúng ta hoàn thiện thêm nội dung sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên… rồi mới nghĩ tiếp đến một sự thay đổi mới, hoàn thiện hơn.
Còn nếu như bắt buộc phải thay đổi thì theo tôi, nên chọn phương án 1 trong 3 phương án chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia năm học này. Đây là phương án được xem là đỡ sốc cho học sinh và cũng gần với kỳ thi năm 2014. Thứ hai là cần phải công bố càng sớm càng tốt phương án thi để thầy và trò cùng có sự chuẩn bị, xuất phát tốt hơn. Mặc dù khi chưa có phương án thi cụ thể chúng tôi vẫn bám phương pháp dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT và nội dung sách giáo khoa yêu cầu, nhưng không tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng vì chưa nắm rõ “mình phải thi tốt nghiệp như thế nào”. Đơn cử như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, đến sát ngày thi Bộ GD-ĐT mới được công bố phương án thi, khi đó cả thầy và trò đều rối bời trong việc lên kế hoạch ôn tập để đuổi kịp và thích ứng với nội dung đổi mới.
Về việc lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, theo tôi, phương án này phù hợp, tiết kiệm được chi phí và hạn chế được hiện tượng tiêu cực trong thi cử; bởi nếu lấy kết quả đó để xét ĐH thì nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh, từ đó không còn hiện tượng cho bạn nhìn bài để khỏi rớt tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu như chúng ta gộp kỳ thi này thì theo tôi, trong đề thi cần có kết cấu rõ ràng phần cơ bản và nâng cao. Nếu cào bằng đề thi quá dễ thì đầu vào ĐH sẽ kém chất lượng, còn đề thi quá khó thì tỷ lệ trượt tốt nghiệp rất cao.
Trần Thị Thu Thủy
(GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)

Bình luận (0)