Mục đích của kỳ thi THPT là để xét tốt nghiệp, đánh giá học sinh đạt yêu cầu cơ bản chất lượng bậc học ấy để các em dễ dàng tiếp tục học lên cao, học nghề hoặc đi lao động ngoài xã hội…
3 năm học lớp 10, 11, 12, với nhiều lần kiểm tra từng môn học qua 6 học kỳ, bây giờ nếu tổ chức nghiêm túc, trung thực thì tin rằng hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT. Thi trượt môn nào, nhà trường giúp các em ôn lại môn đó. Như vậy 100% đậu là thực tế khách quan, đáng tin cậy. Không có học sinh rớt tốt nghiệp. Căn cứ vào kết quả kỳ thi và việc học trong 3 năm, xác nhận, ghi vào bằng tốt nghiệp một trong 3 bậc A, B, C. Đậu bậc nào vẫn được nhận bằng, là niềm phấn khởi của học sinh sau 12 năm học, là điểm mới về quản lý giáo dục của nhiều nước trên thế giới. Đội ngũ thầy cô giáo, đứng đầu là hiệu trưởng đã có kinh nghiệm tổ chức thi, được giao lưu với bạn đồng nghiệp về bệnh thành tích, tính trung thực nên hầu hết có đủ phẩm chất và năng lực để tổ chức tốt kỳ thi THPT tại trường mình.
Thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập trong 12 năm với điều kiện khách quan và chủ quan không giống nhau, không nên đánh giá quá cao kết quả kỳ thi này, mà tạo niềm phấn khởi để các em học và rèn luyện tiếp. Phần học tập sau này mới có tác dụng lớn đối với giáo dục và kinh tế.
Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, trường học như ở Đức coi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như buổi kiểm tra kiến thức, có phòng thi không có giám thị, học sinh tự quản (tác giả đã nghe người Đức báo cáo). Ở Nhật Bản, thi tốt nghiệp THPT cũng ở địa phương. Ở Mỹ, nhiều năm thi tốt nghiệp THPT ở bang hoặc liên bang, rất nhẹ nhàng. Hiện nay ở Mỹ có hơn 1,5 triệu gia đình dạy con học kiến thức phổ thông không đến trường, chủ yếu dạy những môn học liên quan tới sở trường, sở thích, năng khiếu. Cuối cùng thì vẫn tốt nghiệp phổ thông, và theo học kịp ở bậc ĐH.
Có thể nói, đã đến lúc chúng ta nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở địa phương, không cần thi ở cấp quốc gia.
NGƯT Châu An (TP.HCM)
Bình luận (0)