Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thực hiện một kỳ thi quốc gia: Ngành giáo dục “chạy” đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 để lấy ý kiến rộng rãi trong ngành và xã hội nhằm áp dụng trong kỳ thi sắp tới. Là một người có nhiều năm gắn bó với giáo dục từ vị trí giáo viên đến quản lý, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần có sự chuẩn bị đầy đủ từ những điều kiện căn bản nhất để đảm bảo cho việc thay đổi giáo dục theo mục tiêu đồng bộ, căn bản, toàn diện sau đó mới tiến hành áp dụng. Xét hiện trạng, chúng ta chưa có bộ sách giáo khoa chuẩn mới, đội ngũ sư phạm chưa được trang bị yêu cầu mới cho quá trình cải cách giáo dục. Bởi vậy, chúng ta không nên vội vã đổi mới.
Theo những phương án Bộ GD-ĐT đưa ra, thiết nghĩ chúng ta phải xác định từ nay đổi mới giáo dục nên tồn tại mấy kỳ thi, đó là “2 trong 1” hay là 2 kỳ thi biệt lập để từ đó xác định rõ quan điểm thi. Sau năm 2015, khi đã định hình được nên tồn tại mấy kỳ thi, đã có sách giáo khoa mới, có đội ngũ giáo viên được tập huấn kỹ càng thì mới bắt tay vào làm. Còn nếu như phải đổi mới và chọn 1 trong 3 phương án trên thì nên chọn phương án 1. Tuy nhiên, nếu đưa ngoại ngữ vào làm môn thi bắt buộc thì theo tôi là không nên. Bởi vì, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, có đến 90% giáo viên ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu, rồi cả sách giáo khoa nữa. Nếu như đưa ngoại ngữ thành môn bắt buộc thì áp lực sẽ dồn lên cả giáo viên và học sinh.
Theo tôi, trước mắt nên giữ nguyên kỳ thi tốt nghiệp như năm vừa qua, nghĩa là thi tốt nghiệp bằng 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, như vậy là hợp lý. Kỳ thi vừa rồi dù đổi mới hơn các năm trước nhưng tương đối êm dịu, phụ huynh và học sinh cũng như giáo viên có thể chấp nhận được mức độ thay đổi ấy, tuy thời gian gấp rút đã ảnh hưởng nhất định đến việc dạy học của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên một năm thực hiện đổi mới đó chưa đủ để đánh giá hiệu quả, được hay chưa được của kỳ thi. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện vài năm nữa để định hình, cái gì tốt thì giữ lại, cái chưa khả thi thì loại đi để hoàn thiện dần. Nếu như cứ sau một thời gian ngắn chúng ta lại đưa hết cái này đến cái khác ra để cải cách khi chưa có đầy đủ điều kiện đảm bảo thì chẳng khác nào vừa đưa ra mục tiêu vừa… chạy. Và như vậy chúng ta sẽ “chạy” đến bao giờ? Nếu như cứ đưa ra phương án đổi mới rồi áp vào khi chưa có sự chuẩn bị thì việc chấp hành làm theo nó chỉ mang tính đối phó, hiệu quả không cao. Như vậy, đổi mới chỉ là hình thức. Một lộ trình dài hơi, logic và khoa học là điều cần thiết trong quá trình đổi mới, đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục cũng như các cấp chức năng liên quan cần suy tính, đưa ra kế hoạch rõ ràng, hợp lí. Có như vậy mới tránh được thiệt thòi cho học sinh, và tránh được sự chắp vá trong ngành giáo dục nước ta.
Lê Hường (Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng)

Bình luận (0)