Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp để thầy và trò yên tâm dạy – học. Ảnh: Anh Khôi
|
Rối bời, hoang mang…, đó là tâm trạng chung của các học sinh (HS) lớp 12 từ khi Bộ GD-ĐT công bố 3 phương án cho một kỳ thi quốc gia.
Phải có lộ trình cụ thể
Không khí những ngày đầu tựu trường tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM không giống mọi năm. Thay vì vui vẻ hỏi han nhau sau gần 2 tháng nghỉ hè, các em HS (năm nay lên lớp 12) lại bàn luận sôi nổi về các phương án thi tốt nghiệp mới được Bộ GD-ĐT công bố. Không giấu được vẻ lo lắng, em Trần Vũ Phương (HS Trường THPT Marie Curie) cho biết các bạn trong lớp em dành nhiều thời gian của ngày đầu gặp mặt để bàn luận về 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia. Đa số đều tán thành phương án gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ để hạn chế áp lực về thi cử, nhưng lại không hiểu hết các phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra. “Nếu buộc phải lựa chọn một trong 3 phương án thi, rất nhiều bạn lựa chọn phương án 1 (thí sinh thi 4 môn tối thiểu gồm toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn để được xét công nhận tốt nghiệp), sau đó mới đến phương án 2 (5 bài thi tích hợp gồm toán, văn, ngoại ngữ, tự nhiên và xã hội). Tuyệt nhiên không có bạn nào chọn phương án 3 (4 bài thi tích hợp 11 môn học)”, Vũ Phương cho biết. Thế nhưng, Vũ Phương cũng cho rằng phương án 1 chỉ có lợi cho những thí sinh trước nay ôn thi ĐH khối D (toán, văn, ngoại ngữ). “Rõ ràng, tiếng Anh là một lợi thế rất lớn đối với các bạn ôn thi khối D bởi ngoài chương trình học trên lớp, các bạn còn học thêm, ôn thi tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa… Dù là HS ở một địa phương luôn chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ cho HS nhưng vốn không phải môn “tủ” thi ĐH nên rất nhiều bạn không chú trọng vào môn học này lắm. Đó là chưa kể việc rất nhiều HS đã lựa chọn khối thi ĐH ngay từ năm lớp 10. Sự thay đổi đột ngột phương án thi của Bộ GD-ĐT đã làm khó cho thí sinh”, Vũ Phương bức xúc.
Cũng đề cập về các phương án thi, em Lê Ngọc Mai (HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ rằng dạng bài thi tích hợp các môn trước nay hầu như chưa HS nào làm qua. Nếu chọn phương án này, ít nhất Bộ GD-ĐT cũng phải ra đề “mẫu” để HS biết hình thức như thế nào thì mới lựa chọn được. “Dù nhiều bạn lựa chọn phương án 1 nhưng vẫn còn thấp thỏm vì phương án này gần giống với phương án thi tốt nghiệp THPT mới được áp dụng trong năm 2014, nên có thể sẽ không được lựa chọn lần nữa. Vì thế, các bạn dành nhiều thời gian để phân tích phương án 2 hơn. Nhưng như em đã nói, hình thức bài thi theo dạng tích hợp còn mơ hồ, rất khó hình dung đề thi được ra theo hướng nào. Riêng phương án 3 càng khó hình dung hơn nữa. Làm sao có thể thay đổi cách dạy và học theo phương án này chỉ trong một năm học?”, Ngọc Mai băn khoăn.
Thầy và trò cùng rối
Đến các trường THPT ngoài công lập những ngày này mới thấy hết được nỗi niềm của cả thầy lẫn trò. Hoàng Xuân (HS lớp 12 một trường tư thục trên địa bàn quận Tân Phú) cho biết ở trường em, việc lựa chọn khối thi, tổ chức ôn tập các môn thi ĐH đã được thực hiện vào… cuối năm lớp 10. “Năm lớp 11, hầu như tuần nào chúng em cũng được thầy cô cho làm bài và giải đề thi ĐH, CĐ”. Trong khi đó, hiệu trưởng trường này cũng thừa nhận “không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ HS đậu ĐH, CĐ của một số trường ngoài công lập lại trên 80% dù chất lượng đầu vào đều khá thấp. Hầu hết đều là do luyện thi ĐH mà ra. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT hay đậu ĐH, CĐ là con số sống còn quyết định chất lượng đào tạo, niềm tin của phụ huynh và sự nhìn nhận của toàn xã hội đối với trường. Vì thế, bên cạnh việc rèn luyện HS yếu kém, rất nhiều trường ngoài công lập cũng chủ động ôn luyện các môn thi ĐH cho HS ngay từ khi các em lên lớp 11. HS lâu nay vốn đã quen với điều này, nay bỗng dưng Bộ GD-ĐT thay đổi đột ngột khiến cả thầy lẫn trò gần như trở tay không kịp, đành phải chờ đợi phương án cụ thể rồi mới lên kế hoạch bố trí giáo viên, soạn thảo đề thi và ôn tập lại từ đầu. Nhưng để công bằng cho tất cả HS, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên chọn phương án 2 và nhanh chóng đưa ra lộ trình cụ thể. Không thể để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, gây khó khăn cho cả thầy lẫn trò”, vị hiệu trưởng khẳng định.
Một hiệu trưởng khác cũng cho rằng, thoạt nhìn thì phương án 1 sẽ được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nếu được áp dụng, phương án này không chỉ thiệt thòi cho các thí sinh đã chọn khối A, B, C, buộc các em phải học dồn, học ép mà còn thiếu công bằng cho những HS thuộc các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, lựa chọn phương án 2 là phù hợp nhất với tất cả đối tượng. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cần phải tính toán phương án cho những thí sinh thuộc khối năng khiếu (V, H, M) để tránh gây xôn xao dư luận và thiệt thòi cho các em.
Ngọc Anh
Sớm công bố phương án thi để ổn định tâm lý
Dù chưa được nhà trường chính thức thông báo về kế hoạch thi tốt nghiệp năm học 2014-2015, nhưng thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được biết Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án cho một kỳ thi quốc gia để lấy ý kiến, áp dụng trong năm học này. Thực sự em thấy rất hoang mang. Vì đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa chọn phương án cụ thể nào để chúng em yên tâm học hành và đầu tư cho môn cần phải học nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức cho mình. Dù biết là môn nào cũng phải học nhưng cảm giác học xong không biết sẽ thi môn gì thì cũng rất bất an. Nếu môn thi rơi trúng vào những môn có học lực yếu khi chưa có sự chuẩn bị kỹ thì sẽ thiệt thòi cho HS. Vì thế, em rất muốn Bộ GD-ĐT công bố sớm nhất phương án thi cụ thể trước khi bước vào năm học để yên tâm hơn cho việc học.
Đối với 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra khảo sát, theo em, nên chọn phương án 1. Đây là phương án theo em khả thi nhất, phù hợp nhất với tình hình học hiện tại của HS và gần với kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi nên sự thay đổi không đáng kể, có thể dễ thích nghi được. Các phương án còn lại, nhất là phương án 3 thì lại quá phức tạp và chúng em chưa được tiếp cận nhiều với phương pháp học tích hợp này, chưa có sự làm quen cần thiết để trải qua kỳ thi quan trọng như vậy.
Đặc biệt, nếu gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ thành một, tức là thi tốt nghiệp và lấy điểm đó xét vào ĐH, CĐ thì theo em, đề thi phải có mức độ khó tương đối, tương đương chất lượng đề thi ĐH. Có như vậy chất lượng đầu vào ĐH, CĐ mới được nâng cao và công bằng.
Lê Thị Liễu (HS lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)
|
Bình luận (0)