Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thực hiện một kỳ thi quốc gia: Thi tại trường ĐH, CĐ là phương án tối ưu

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm thủ tục thi ĐH năm 2014 (ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Ảnh: L.Sâm
Tôi đã theo dõi Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-8-2014 và nhận thấy đa số các ý kiến đều cho rằng không nên tổ chức kỳ thi quốc gia ở các địa phương do các trường không tin tưởng vào kết quả nếu tổ chức ở các địa phương.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã đọc ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (đăng trên một tờ báo) cho rằng “Cần phải có lòng tin vào đội ngũ. Ai cũng có thể nói không tin được vào kỳ thi phổ thông, nhưng tôi đề nghị chúng ta không nói thế. Tư lệnh phải tin vào chiến sĩ của mình đang chĩa súng vào địch để giữ trận địa. Chứ cứ lo chiến sĩ chĩa súng vào mình, không lo chỉ đạo tấn công thì thua chắc”.
1. Thực ra chúng tôi cũng muốn tin lắm chứ nhưng sự tin tưởng phải có cơ sở thực tế, nếu không đó sẽ là lòng tin mù quáng. Bao nhiêu năm nay, những bê bối trong kỳ thi tốt nghiệp chẳng lẽ Bộ GD-ĐT không biết. Những vụ lùm xùm công khai trên báo chí chỉ là phần nổi của tảng băng tiêu cực, còn thực tế diễn ra ở các địa phương tệ hại hơn nhiều. Theo tôi, việc đưa các giảng viên ĐH, CĐ về các địa phương phối hợp coi thi, chấm thi là không khả thi vì sẽ gây ra sự xáo trộn kế hoạch giảng dạy của các trường nên Bộ GD-ĐT rất khó can thiệp và điều hành, kinh phí và sự sắp xếp ăn ở cho đội ngũ này khi đi về các địa phương cũng rất tốn kém và phức tạp; kế hoạch phối hợp giữa các trường ĐH, CĐ với các địa phương trong việc tổ chức thi cũng sẽ rất khó khăn và khó hiệu quả… Kết quả là các trường ĐH, CĐ sẽ không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi quốc gia này và lại tổ chức một kỳ thi bổ sung riêng (theo qui định mới về tự chủ tuyển sinh, các trường đều có quyền làm điều đó). Nếu kỳ thi bổ sung này không phải để kiểm tra năng khiếu hay những kỹ năng mà cũng kiểm tra kiến thức chương trình học phổ thông của học sinh thì có nghĩa là phương án một kỳ thi quốc gia của chúng ta đã thất bại.
“Tôi có người thân, bạn bè giảng dạy và học tập ở các địa phương khác nhau cho biết tình trạng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp nơi nào cũng diễn ra. Chỉ những nơi mà sự tiêu cực quá công khai, lộ liễu mới bị ghi hình và đưa lên báo chí mà thôi” – Nguyễn Thị Dung.
2. Vì vậy, kỳ thi quốc gia nên được tổ chức tại các trường ĐH, CĐ. Phương án tổ chức kỳ thi quốc gia tại các trường ĐH, CĐ sẽ có 2 vấn đề chính cần giải quyết, đó là đối với những học sinh không thi ĐH, CĐ sẽ thi kỳ thi quốc gia ở đâu và việc chấm thi một số môn mà trường không giảng dạy sẽ như thế nào.
Vấn đề thứ nhất, tôi nghĩ giải quyết không khó, với các học sinh không thi ĐH, CĐ sẽ thi nhờ tại các trường ĐH, CĐ gần nhất ở địa phương (tùy học sinh lựa chọn và đăng ký). Vấn đề thứ hai sẽ được giải quyết nếu tất cả các môn thi đều tổ chức thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn có thêm phần tự luận). Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức thi đối với tất cả các môn xã hội và môn toán sang thi trắc nghiệm. Bởi tôi nghĩ với mỗi hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm đều có những ưu điểm, nhược điểm của nó, nhưng nhìn tổng thể thì với kỳ thi quốc gia này, thi trắc nghiệm sẽ có nhiều ưu thế. Hình thức thi trắc nghiệm có những ưu điểm là số lượng câu hỏi lớn với nhiều mức độ khó dễ khác nhau sẽ thuận lợi cho việc phân loại học sinh ở các ngưỡng khác nhau: Ngưỡng tốt nghiệp THPT, ngưỡng tuyển chọn vào các trường CĐ, ngưỡng tuyển chọn vào các trường ĐH tốp dưới, tốp giữa, tốp trên… (điểm thi dùng thang điểm 50 hay 100 sẽ chính xác hơn). Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy nên nhanh gọn, chính xác, tránh được tiêu cực, thiên vị, cảm tính, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Như vậy, chỉ riêng môn ngữ văn mới cần huy động giáo viên tham gia chấm thi phần tự luận. Hơn nữa, trong tương lai, khi thi theo bài, một bài thi sẽ gồm nhiều môn, các câu hỏi thi có tính tích hợp, việc chấm thi tự luận sẽ rất phức tạp vì một bài thi đòi hỏi kiến thức của nhiều môn sẽ phải cần nhiều giáo viên cùng chấm, còn chấm thi trắc nghiệm bằng máy sẽ dễ dàng đơn giản hơn rất nhiều. Hình thức thi trắc nghiệm hiện đã được đa số các nước trên thế giới sử dụng trong hầu hết các kỳ thi của họ. Vì vậy, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cần xem xét và quyết định sớm vấn đề này. Chúng ta không thể cầu toàn mà phải lựa chọn phương án tối ưu mà thôi.
3. Bộ GD-ĐT cần quyết định và thông báo sớm một lộ trình cụ thể, chi tiết về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trong những năm sắp tới và lâu dài để giáo viên, học sinh không bị bất ngờ cũng như có thời gian chuẩn bị. Bởi lẽ đây là kỳ thi hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới hàng vạn học sinh và gia đình của các em nên có tác động xã hội rất lớn. Nếu chuẩn bị chưa chu đáo (nhất là khâu tổ chức) khả năng thất bại là rất cao. Lần đầu tổ chức đã thất bại sẽ có ảnh hưởng tâm lý và tạo dư luận không tốt. Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi cho kỳ thi quốc gia này, chính vì vậy sự sáng suốt tiếp nhận những thông tin, những ý kiến đóng góp vô cùng quan trọng.
Nguyễn Thị Dung (Giảng viên Trường CĐ Công thương TP.HCM)
Việc đưa các giảng viên ĐH, CĐ về các địa phương phối hợp coi thi, chấm thi là không khả thi vì sẽ gây ra sự xáo trộn kế hoạch giảng dạy của các trường nên Bộ GD-ĐT rất khó can thiệp và điều hành, kinh phí và sự sắp xếp ăn ở cho đội ngũ này khi đi về các địa phương cũng rất tốn kém và phức tạp.
 

Bình luận (0)