“20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính điều đó đã mang đến nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, phát triển TP và đất nước”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng – Trưởng đoàn khảo sát Ban chỉ đạo Trung ương – nhấn mạnh tại buổi khảo sát tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 tại TP.HCM.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu bên lề buổi khảo sát
Mọi quyết sách đều vì người dân
Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 23 tại TP.HCM là các phong trào thi đua đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả và lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, tạo thành sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí, góp phần xây dựng TP có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cụ thể trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sức mạnh đại đoàn kết lan tỏa khắp nơi. Hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại thuốc, vật tư, phương tiện, trang thiết bị y tế trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Trung tâm An sinh TP đã tiếp nhận hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng từ các tỉnh thành, doanh nghiệp và các cá nhân để chăm lo cho người nghèo; chuyển hàng triệu túi an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP – khẳng định, trong đại dịch, người dân đã chung tay với TP để vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử. Từng chiếc khẩu trang đến mô hình ATM gạo, ATM ôxy… được hỗ trợ cho TP đã lan tỏa, thu hút mọi đối tượng người dân tham gia.
Bà Trần Thị Diệu Thúy – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP – cũng cho biết, những nội dung Nghị quyết số 23 đề ra cho công nhân đều được hiện thực hóa, tổ chức thành công. Đơn cử, cuối tháng 10 vừa qua, nhiều công nhân bị giảm công việc, theo đó Thành ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết mâu thuẫn, khó khăn cho người lao động.
Ông Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an – đánh giá, suốt 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị TP.HCM luôn bám sát và duy trì phát triển đời sống của người dân, thể hiện qua các “điểm sáng” phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. TP.HCM là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo trên mọi phương diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người suốt 20 năm qua là 10,5%, cao hơn bình quân chung cả nước 6,84%. Từ khi có Nghị quyết số 23 cho đến nay, qua các nhiệm kỳ, TP đã bám sát cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, công tác giảm nghèo hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ấn tượng so với cả nước.
“Năm 1976, thu nhập bình quân là 251 USD/người, đến năm 2002 tăng lên 1.560 USD, năm 2020 là 6.228 USD và định hướng năm 2025 là 8.500 USD/người. Nếu so sánh TP.HCM với các địa phương khác thì không nơi nào có được kết quả này. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho sự đoàn kết, huy động sức dân tham gia vào sự nghiệp phát triển TP, đất nước”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, trong giải quyết vấn đề xây dựng con người, đảm bảo an sinh xã hội, TP.HCM đã có những bài học kinh nghiệm. Đó là “lấy sức dân để chăm lo cho dân”. Mọi quyết sách đều đặt người dân vào vị trí trung tâm và lấy người dân làm chủ…
Nơi khởi xướng những chính sách mới
Đây là mong muốn của Trung ương đối với TP.HCM. Theo ông Thưởng, mong muốn của Trung ương đối với TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương mà vốn như trước giờ TP vẫn làm – là nơi khởi xướng, hình thành những chủ trương, đường lối chính sách mới hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, mang lại lợi ích cho dân ngày càng nhiều hơn.
Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 23, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, nội dung, phạm vi và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy đối với hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và các hội quần chúng trên địa bàn TP nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp, nhất là ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt và uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Thưởng đánh giá, 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, TP.HCM đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này đã mang đến nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, phát triển TP và đất nước.
Kết quả có được là nhờ TP quán triệt, triển khai nhanh một hệ thống văn bản khá phong phú, đầy đủ, toàn diện. Quan tâm động viên, phát huy lòng nhiệt thành cách mạng, tính tích cực xã hội. Có sự tham gia chủ động của người dân ở từng đối tượng xã hội vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP.
“Nhìn chiều dài suốt 20 năm, TP khá sáng tạo để động viên các tầng lớp, đối tượng nhân dân tham gia vào nhiệm vụ chung. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội luôn đi đầu đổi mới; qua đó có nhiều mô hình hay trong tập hợp, chăm lo, đại diện cho quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân”, ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, TP.HCM là nơi khởi nguồn rất nhiều phong trào, nhiều việc làm thắm tình Đảng với dân. Càng khó khăn tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân càng được phát huy. Điển hình trong đợt dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thể hiện rất rõ, rất mạnh mẽ; điều đó giúp TP vượt qua khó khăn. Chính vì phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà TP đã đạt được những thành quả to lớn, toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp rất lớn vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới của đất nước.
Về nhiệm vụ sắp tới, ông Thưởng cho rằng cần có nội dung, chính sách để phát huy sức mạnh các giai tầng, lòng nhiệt thành cách mạng, tính tích cực xã hội của người dân Việt Nam vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng ta luôn xác định lấy dân làm gốc thì lòng dân chính là thước đo quan trọng nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hành động của chính quyền.
“Khi chuẩn bị mặt bằng để làm đường Vành đai 3, chính quyền TP luôn vận động nhân dân bàn giao sớm để xây dựng. Vì vậy, ở chiều ngược lại, người dân cũng mong chính quyền thực hiện nhanh các việc như làm sổ đỏ, đóng tiền sử dụng đất… Do đó, chính quyền TP phải chú ý đến dân, lòng dân, sự hài lòng của người dân”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)