Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ GD-ĐT giao các sở GD-ĐT thực hiện trong năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non là bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống bạo hành trẻ em, bảo đảm an toàn trường học.
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non để các sở GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế địa phương triển khai hiệu quả.
Khắc phục kịp thời các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ em
Đáng chú ý trong các nhiệm vụ này, bộ yêu cầu các sở GD-ĐT nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó, phải bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm quy định về công tác phòng chống bạo hành trẻ em, bảo đảm an toàn trường học. Triển khai thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ em bằng xe ô tô, phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật hiện hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ. Tăng cường lồng ghép, tích hợp hiệu quả việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức pháp luật liên quan công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em. Chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời những yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em; nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm, lớp độc lập, dân lập và tư thục.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện những quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nguy cơ có thể xảy ra và hướng dẫn biện pháp, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.
Bộ GD-ĐT yêu cầu bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng trẻ em mầm non; quan tâm đến trẻ em mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. |
Cùng với đó, phối hợp ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ em. Phối hợp ngành y tế bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tăng cường thanh – kiểm tra và sự tham gia giám sát của ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn, an toàn thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác tổ chức bữa ăn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Chuẩn bị điều kiện triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Các sở GD-ĐT cũng được giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tập trung chuẩn bị tốt điều kiện về các nguồn lực và năng lực đội ngũ cho việc thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới này.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp mầm non; tham mưu công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc miền núi, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp trường lớp; nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố, thay thế phòng học tạm, nhờ/mượn; bổ sung các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu theo yêu cầu chuẩn hóa và hiện đại. Đồng thời, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới. Kịp thời tuyển dụng đối với giáo viên mầm non còn thiếu nhằm bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Thục Trân
Bình luận (0)