Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: Đừng làm cho có

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (DCCS) tại nhiều quận, huyện, sở ngành trên địa bàn TP.HCM đạt không ít kết quả. Qua đó góp phần xây dựng môi trường làm việc tốt, đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những nơi dân chủ thật cũng có không ít nơi dân chủ theo kiểu nửa vời, thực hiện cho có…


Công chức cấp xã/phường giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Giải quyết kịp thời bức xúc của người dân

Tại quận 8, xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện quy chế DCCS được triển khai với nhiều mô hình, cách làm theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đơn cử như việc tập trung giải quyết kịp thời các bức xúc, nguyện vọng hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật, tổ chức thanh tra theo kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương.

Tại quận 7, quy chế DCCS cũng được triển khai, thực hiện nghiêm túc, bài bản, sáng tạo từ quận, phường đến khu phố. Theo ông Nguyễn Văn Tuyền – Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 7, hệ thống chính trị quận 7 luôn xác định việc thực hiện DCCS là một nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng; luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng và phát huy dân chủ ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Cụ thể, tại cấp phường đều công khai cho dân biết các văn bản chỉ đạo, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các loại thủ tục hành chính, nguồn thu – chi; Công khai và lấy ý kiến người dân trước khi chính quyền quyết định về quy hoạch sử dụng đất, các dự án, nâng cấp đường hẻm, điện nước, chỉnh trang đô thị, đền bù giải tỏa…

“Việc xây dựng và thực hiện DCCS đã góp phần phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo hướng sát dân, chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của dân”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Xác định DCCS là phương thức để phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Học viện Cán bộ TP.HCM luôn tạo mọi điều kiện để đội ngũ được thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến thông qua việc thảo luận, góp ý, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề theo quy định.

“Hàng năm, Đảng ủy, Ban Giám đốc đều tiến hành đánh giá việc thực hiện và ban hành kế hoạch thực hiện quy chế DCCS. Theo đó, qua các hình thức phát hành văn bản, thư điện tử, cuộc họp, chúng tôi đã công khai những nội dung như: xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, các biện pháp chấp hành nội quy, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, các chế độ chính sách… để cán bộ, viên chức, người lao động biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra. Nhờ vậy, sự đoàn kết nhất trí trong hoạt động của học viện ngày càng nâng cao, tạo thêm động lực cho đội ngũ viên chức, người lao động”, bà Bùi Ngọc Trang – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM – chia sẻ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Dân chủ không chỉ là nhu cầu thiết yếu của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển, hoàn thiện của một Đảng cách mạng chân chính, sự lãnh đạo chân chính của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quy chế DCCS ở một số nơi còn hạn chế, còn hình thức vì vậy cần có những giải pháp đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện có hiệu quả mọi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo ông Tuyền, có những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự gương mẫu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, chậm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, bức xúc trong nhân dân, tác phong phục vụ người dân chưa cao; chưa kịp thời chọn lọc các nội dung cần công khai đến người dân, việc công khai còn mang tính hình thức, chưa đến từng hộ dân, nhất là các nội dung liên quan đến kinh phí vận động nhân dân, quyền lợi người dân. Thành viên MTTQ, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội có lúc, có nơi chưa thể hiện được vai trò cầu nối, người đại diện…

“Vì vậy việc đẩy mạnh thực hiện quy chế DCCS cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Phải đưa DCCS vào nhiệm vụ công tác thường xuyên của đơn vị, địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động ban chỉ đạo quy chế DCCS ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế DCCS của các cơ quan, đơn vị…”, ông Tuyền nói.

Theo ThS. Trần Thị Linh – Phó Trưởng ban Biên tập Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM thường xuyên chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với khuyến khích, khích lệ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức. Song, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở cơ sở, người đứng đầu vẫn chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện DCCS gắn với công tác dân vận của chính quyền; chưa chủ động tham mưu, đề xuất tháo gỡ những vấn đề khó, còn vướng mắc để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, doanh nghiệp. Công tác tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị vẫn còn chậm được giải quyết… Do vậy, TP cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước; gắn việc thực hiện DCCS với xây dựng chính quyền đô thị đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân khi không có tổ chức HĐND ở quận, phường. 

Theo TS. Hà Thị Thùy Dương – Học viện Chính trị khu vực IV, thực hiện DCCS ở cơ quan, đơn vị sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất và môi trường làm việc tốt. Để thực hiện tốt những nội dung này, các đơn vị, cơ quan cần phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện DCCS. Tăng cường kiểm tra, giám sát và có những kênh để người lao động trong cơ quan, đơn vị phản ánh việc thực hiện không đúng các quy định về DCCS.

Linh Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)