Tháng 5-2007, Tổ chức Giáo dục châu Phi mời 23 nước đến Bamako (Mali) để tham dự “Đại hội quốc tế về miễn phí giáo dục”, với sự tham gia của UNICEF, Ngân hàng Quốc tế. Đại hội quyết định thực hiện “nền giáo dục bắt buộc, miễn phí” cho toàn thể trẻ em châu Phi .Một năm đã qua, việc thực hiện quyết định quan trọng đó đã đi đến đâu, thuận lợi khó khăn gì?
“Trên toàn lục địa đen, giáo dục phải được miễn phí hoàn toàn”, đó là nguyện vọng từ ngàn đời của nhân dân châu Phi để chống lại nạn nghèo đói kinh niên của hàng trăm triệu người da đen đau khổ. Từ bao đời nay chi phí học đường đè nặng lên từng gia đình với biết bao nhiêu khoản: tiền thầy, tiền đóng góp xây dựng trường, tiền sách giáo khoa, tiền TDTT và y tế…, nói chung đã chiếm hết 1/4 thu nhập của mỗi gia đình nghèo. Quyết định miễn phí có khả thi không trong tình trạng ngân sách quốc gia quá eo hẹp?
Nói riêng về CHDC Congo (thủ đô Kingshasa), một nước vừa thoát ra khỏi cuộc nội chiến tàn khốc, học sinh phải đóng 14 khoản; ngoài học phí do Chính phủ quy định còn tiền hỗ trợ giáo viên có lương thấp, tiền xây dựng trường, tiền hồ sơ… Trung bình mỗi gia đình phải đóng 15$/năm (đối với nông thôn), còn ở ngay thủ đô thì phải đóng 150$/năm. Một nửa số gia đình đành cho con em nghỉ học vì không chịu xiết.
Nhưng thực hiện quyết tâm chính trị cao về miễn học phí trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay của các nước châu Phi là cả một vấn đề hết sức khó khăn. Những nước châu Phi nói tiếng Anh như Malawi, Ouganda, Lesotho, Tanzania, Kenya, Modambic và Gana đã cố thực hiện việc miễn học phí từ 10 năm nay. Bà Claudine Bourrel, chuyên viên của Ngân hàng Quốc tế nói: “Ở Malawi sĩ số tăng 68% mà nhà nước chưa chuẩn bị gì. Thật là một quyết định vô trách nhiệm”. Vừa qua việc các nhà cầm quyền Bénin bỏ học phí để thực hiện lời hứa khi bầu cử, đã làm Bộ Giáo dục phải lao đao.
Ông Mamadou Ndoye, cựu Bộ trưởng Giáo dục Sénégal, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục châu Phi nói: “Quyết định miễn học phí làm sĩ số tức khắc tăng lên rất nhanh. Nếu chưa kịp chuẩn bị về giáo viên, trường lớp, sách vở… thì chỉ còn một cách là tăng số học sinh của mỗi lớp lên”. Một nhà hoạt động Công đoàn Giáo dục Mali nói: “Nhảy bừa xuống sông cái kiểu đó chỉ có chết! Làm sao giáo viên dạy nổi lớp học nhét đến hơn 80 học sinh như ở Bamako…”.
Chất lượng giáo dục xuống thấp vì lớp học quá đông, là nỗi lo của các nhà giáo dục. Nhiều giáo viên xin bỏ nghề vì sợ đứng lớp “đông như cái chợ, như tổ ong”. Làm sao vừa bỏ học phí, vừa tăng, hay ít nhất giữ vững chất lượng giáo dục? Cả một vấn đề nan giải!
Ông Mama Dou Ndoye nói: “Muốn thực hiện quyết định cao đẹp đó, sự công bằng giáo dục phải đặt hàng đầu trong chương trình nghị sự của các chính phủ. Ngoài ra phải xây dựng lộ trình thực hiện hợp lý. Theo cách đó CHDC Congo được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới đã đi những bước đầu. Vấn đề đầu tiên là ngân sách giáo dục, tất nhiên, nhưng yếu tố quản lý cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Bà Claudine Bourrell nói: “Tôi nghĩ rằng số tiền dùng cho giáo dục chưa được sử dụng hợp lý và công tâm. Hơn nữa không cần phải có đủ điều kiện như các nước châu Âu mới thực hiện được ý tưởng giáo dục miễn phí…”.
Kénia là một trường hợp được nêu điển hình về thực hiện quyết định miễn phí. “Thành phố bi-đông” Nairobi đã tăng gấp đôi sĩ số trong 4 năm. Một triệu rưỡi trẻ em được đi học, chiếm 80% trẻ em đến tuổi đi học, một con số vượt xa các nước châu Phi khác. Các tổ chức Quốc tế cũng ra sức giúp đỡ Kénia. Giáo viên được tập huấn để dạy lớp có hàng trăm em với trình độ khác nhau. Các em nghèo được ăn miễn phí hai bữa một ngày. Tuy vậy UNICEF tính ra vẫn còn thiếu 30.000 giáo viên; 600.000 trẻ em mồ côi, bị mắc bệnh SIDA, trẻ em gái, con em vùng du mục, vẫn chưa được đi học. Dù trên thực tế các hội phụ huynh có tài trợ giúp các giáo viên lương thấp, nhưng dầu sao Kénia cũng đã có những cố gắng rất lớn thực hiện quyết định miễn phí học đường.
Nơi công khai không ai dám tỏ ý phản đối hay nghi ngờ chủ trương miễn phí học đường, nhưng ở chốn riêng tư, nơi mà chủ trương miễn phí gây ra nhiều lộn xộn do học sinh quá đông mà trường lớp và giáo viên thiếu, dư luận tỏ ra lo lắng. Họ tự hỏi, phải chăng đã đến lúc để ào ạt mở trường miễn phí khi chưa có điều kiện thực hiện?
Quyết định thực hiện nền giáo dục miễn phí và bắt buộc ở châu Phi là đúng, đáp ứng nguyện vọng lâu đời của nhân dân, nhưng để thực hiện được ý tưởng cao đẹp đó còn rất nhiều khó khăn phức tạp còn phải vượt qua.
(Trong Thế Giới Giáo Dục)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)