Việc thực hiện thông tư 30 (TT30) vào việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thường xuyên đến thời điểm này đã tròn 1 năm. Mọi giáo viên (GV) không phủ nhận mặt hay của TT30 là giảm áp lực học tập, điểm số cho HS, chú trọng phát triển tinh thần, năng lực, đạo đức của các em. Tuy nhiên sổ sách nhiều, lời phê trùng lặp hay không có điểm số khiến HS chủ quan… là những vấn đề được nhiều GV nhắc đến.
Dễ chồng chéo lời nhận xét
Một GV tiểu học tại quận 4 chia sẻ: “Để kịp công việc đánh giá, tổng kết cuối năm, tôi dành thời gian từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa. Chiều từ 2 giờ đến 4 giờ 30 để ghi các lời nhận xét vào học bạ thế nhưng chỉ hoàn thành đúng 20 bộ. Cô có thể hình dung được khối lượng công việc nhiều như thế nào”.
Vị GV này không phủ nhận mặt hay của TT30 là giảm áp lực học tập, điểm số cho HS, chú trọng phát triển tinh thần, năng lực, đạo đức của HS. Tuy nhiên công việc ghi lời nhận xét quá chi tiết, quá nhiều khiến GV cảm thấy ngộp thở, khó chuyên tâm cho công việc dạy học. Vấn đề đáng bàn ở chỗ lời ghi nhận xét có sự trùng lặp ngay trong từng sổ và giữa các sổ.
Theo phân tích của vị GV này, trong sổ theo dõi, phần lời phê từng tháng chia ra làm 3 phần nhỏ: Học tập, năng lực, phẩm chất. Ví dụ, với một HS giỏi, GV luôn phê: “Em tiếp thu tốt các môn học…”; năng lực thì “dạn dĩ trong giao tiếp, biết lắng nghe, chia sẻ, tích cực phát biểu…”; phẩm chất thì “lễ phép với thầy cô giáo, thân thiện với bạn bè…”. Tuy nhiên, những lời phê này có sự lặp lại giữa các tháng.
Ở phần đánh giá nhận xét cuối học kì 1 và cuối năm. Phần học tập chia nhỏ từng môn. Ví dụ môn khoa học phê “Chăm học, tích cực phát biểu”; môn lịch sử cũng phê: “Chăm chỉ, tích cực phát biểu”. Tương tự ở phần năng lực cũng chia nhỏ: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp; Ý thức tự học… Phần phẩm chất tiếp tục chia nhỏ: Chăm chỉ, tích cực tham gia các hoạt động học tập…; Tự tin, tự trọng, đoàn kết…; Biết tự chịu trách nhiệm…; Yêu trường lớp, gia đình, bạn bè…
Sổ sách nhiều, lời phê trùng lặp hay không có điểm số khiến HS chủ quan. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường Trương Quyền (Q.3, TP.HCM).
“Phần lời phê trong sổ theo dõi không nên chia từng phần, nên để GV phê chung những điểm nổi bật, những điều cần lưu ý trong tháng của HS về cả 3 mặt thì dễ dàng hơn. Phần đánh giá nhận xét cũng nên để phê chung về học tập bởi ở tiểu học, HS chăm chỉ thì học tốt các môn khoa học, sử địa, đạo đức. HS dạn dĩ thì phát biểu nhiều. Phần năng lực, phẩm chất, việc chia nhỏ và áp đặt điều cần phê khiến GV rất khó phê. Không phải HS nào cũng chỉ có những đặc điểm trên mà còn có những đặc điểm khác. Nên để GV phê những điều GV nhận thấy từ HS thì hay hơn”, vị GV này giãi bày.
Vị GV này chia sẻ thêm, đối với các loại sổ, sổ liên lạc là tập hợp các điều đã ghi từ sổ theo dõi HS và học bạ. Sổ theo dõi HS chỉ để cho ban giám hiệu xem. Vậy nên chăng bỏ bớt đi sổ theo dõi, bởi vì ban giám hiệu có thể kiểm tra qua học bạ và sổ liên lạc. Như thế gánh nặng sổ sách sẽ giảm cho GV, và GV có thể chuyên tâm vào dạy học, tương tác với học trò.
Nên có sự cân bằng giữa điểm số và lời nhận xét
Đó là chia sẻ của thầy Phạm Phương Hậu, Khối trưởng Khối 5, Trường TH Phạm Hồng Thái (Q.5, TP.HCM).
Thầy Hậu cho rằng, TT30 thiên hẳn về viết lời nhận xét, coi trọng lời nhận xét. Chúng ta phải hiểu lời nhận xét chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Đối với HS tiểu học, các em chưa nhận thức được hết năng lực bản thân, trước những lời nhận xét của GV mang tính chất động viên, khích lệ, các em có thể nghĩ rằng mình giỏi, mình hoàn thiện nên dễ vướng vào chủ quan, thiếu động lực phấn đấu. Điểm số vốn sử dụng từ xưa đến nay, mang tính chất định lượng, định tính. Nhìn vào điểm các em HS vẫn dễ dàng thấy được năng lực bản thân ở mức độ nào để tiếp tục cố gắng hơn nữa. Hay nói đến việc đánh giá học tập cuối năm có 2 mức trên 5 điểm là hoàn thành, dưới 5 điểm là chưa hoàn thành; còn năng lực phẩm chất là đạt và chưa đạt, điều này mang tính chất thống kê, rất thuận tiện cho GV, nhưng đối với HS thì các em cũng không xác định được rõ năng lực bản thân mình chính xác là ở mức nào. Chưa kể, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về vấn đề này và thường hỏi năng lực con mình như thế nào, đang ở đâu để giúp con em phấn đấu học tốt hơn.
Về vấn đề viết lời nhận xét, theo thầy Hậu, tinh thần của TT30 chú trọng vào các mặt tích cực của HS để động viên khuyến khích. Tuy nhiên, trong học bạ lại yêu cầu ghi cả những vấn đề cần khắc phục, hạn chế. Có nhất thiết phải ghi vào học bạ những vấn đề này không, hay là nên ghi những điểm khắc phục, hạn chế vào sổ GV chủ nhiệm để GV chủ nhiệm thông tin đến GV bộ môn, phụ huynh. Bởi vì học bạ theo suốt quá trình học tập của HS, các em đọc vào chắc chắn không tránh khỏi hụt hẫng, tâm lý bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến cả việc xét tuyển vào lớp 6, vô tình đi ngược với tinh thần TT30.
“Thiết nghĩ nội dung, mục đích của TT30 là rất hay, trả lại sự vui tươi trong tâm hồn trẻ thơ. Tuy nhiên nếu có sự thí điểm ban đầu, sau đó trải qua đánh giá, rút kinh nghiệm rồi đi đến sự mở rộng thì sẽ hay hơn. Việc thực hiện chậm nhưng chắc chắn và phù hợp”, thầy Hậu chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)