Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thực hư chuyện 30% công chức không làm việc?

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, dư luận vẫn xôn xao về thông tin 30% công chức không làm được việc, ngồi chơi xơi nước, tạo gánh nặng đối với biên chế và ngân sách Nhà nước.

Trong một hội nghị của ngành nội vụ mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo Bộ Nội vụ làm rõ việc dư luận cho rằng có 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Cán bộ của Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Lâm Khánh /TTXVN)

Trái ngược với những thông tin không rõ nguồn gốc nêu trên, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ, chỉ trên dưới 1% công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hư con số 1% và 30% – một khoảng cách không hề nhỏ – là điều dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định thông tin về tỷ lệ 30% chỉ là võ đoán, theo cảm tính, thiếu căn cứ và rất thiếu trách nhiệm.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức luôn làm việc tận tụy, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Nhiều tấm gương người tốt việc tốt vẫn được báo đài đưa tin để mọi người học tập. Và một điều hiển nhiên, cơ quan, tổ chức nào dù ở khu vực công hay khu vực tư cũng luôn có những người làm việc tốt và vẫn có một bộ phận công chức, viên chức năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quan cách, cửa quyền, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, số lượng công chức, viên chức làm việc chưa tốt ở mỗi cơ quan, tổ chức hoàn toàn khác nhau. Trước dư luận trên, ngày 6/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2012 và số liệu ban đầu thu nhận được.

Theo báo cáo, chỉ là trên dưới 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến nay, Bộ Nội vụ – cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức – vẫn đang tiếp tục tổng hợp về tỷ lệ phần trăm công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, hiện nay, Bộ cũng đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện cơ chế và thực hiện trách nhiệm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả cụ thể sẽ được công bố trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng không quên khẳng định con số 1% là con số báo cáo chính thức do người có thẩm quyền ký và chịu trách nhiệm về số liệu đó.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, chính cách đánh giá, phân loại cuối năm theo kiểu “bầu cử,” cấp trên e ngại, nể nang, sợ va chạm với cấp dưới, đẩy trách nhiệm đánh giá trong tập thể là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đánh giá không chính xác. Việc bỏ phiếu đánh giá xem ra có vẻ khách quan, công bằng nhưng thực ra lại rất chủ quan, không gắn với trách nhiệm. Thậm chí, có người còn muốn chạy theo thành tích, muốn đơn vị mình không có người nào hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc không làm đúng các quy định về đánh giá đã dẫn đến tình trạng chưa phản ánh đúng chất lượng công tác của công chức, viên chức. Trong nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay, việc đánh giá vẫn thực hiện theo hình thức bỏ phiếu và người đứng đầu các phòng, ban, vụ, sở… vẫn rất ngại đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp dưới. Vì vậy, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải tuân thủ các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, theo nguyên tắc: “cấp trên đánh giá cấp dưới; ai giao việc, người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá.”

Để khắc phục tình trạng đánh giá mang tính hình thức, chạy theo thành tích, ngày 2/12 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 4375/BNV-CCVC gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thêm về công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2013.

Trong văn bản này, Bộ Nội vụ yêu cầu không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức, viên chức trong đơn vị khi đánh giá hàng năm như trước đây, thẩm quyền đánh giá phải do người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định đánh giá công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình.

Đây cũng là biện pháp tiên quyết đã được Luật quy định để xác định rõ những người không đáp ứng yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ; làm cơ sở cho giải quyết cho thôi việc những người có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc bố trí công việc khác phù hợp hơn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện tinh giản biên chế./.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)