Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực hư thuốc chữa cận thị?

Tạp Chí Giáo Dục

Khoa học đã chứng minh đeo kính hoặc phẫu thuật mắt là cách khắc phục có hiệu quả nhất đối với những người bị cận thị. Tuy nhiên, gần đây một loại thuốc uống được quảng bá trên mạng có thể chữa được cận thị cho mọi đối tượng. Theo các chuyên gia y tế, điều này thiếu cơ sở khoa học và phi thực tế.

Một loại thuốc được quảng cáo là thuốc chữa cận thị

Đó là loại thuốc chữa cận thị được đóng gói thành bịch và chai có hình dáng như lọ thuốc nhỏ mắt có tên A.N do một trang mạng tự xưng là nhà thuốc gia truyền T.C.Đ tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình phân phối.

Tiên dược chữa cận thị

Theo quảng cáo, T.C.Đ là nhà thuốc Đông y gia truyền lâu đời nhất Việt Nam với 600 năm chữa bệnh cứu người. Trên trang mạng này, nhà thuốc còn khoe cả giấy chứng nhận hành nghề do Bộ Y tế cấp và đặc biệt là bộ sản phẩm chữa cận thị rất hoành tráng. Trước khi quảng bá chất lượng sản phẩm, nhà thuốc đã khẳng định bằng một câu slogan rất ấn tượng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng: “Cận thị không phải chữa bằng phương pháp mổ là duy nhất đâu nhé!”(?). Vì thế, trong một bài thơ người con gửi cho mẹ được giới thiệu trên trang web, nhà thuốc đã khẳng định nếu nghe lời khuyên của Tây y đi mổ cận thị thì về sau mắt mẹ sẽ bị rách võng mạc.

BS Bùi Thị Thu Hương – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Mắt TP.HCM) cho biết, cận thị là tật khúc xạ ở mắt làm gây rối loạn chức năng thị giác. Theo đó, người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết được. Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước – sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc. Đối với mắt bị cận thị hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ngay võng mạc như mắt người bình thường. Vì thế, tốt nhất là chúng ta đeo kính để điều chỉnh cận thị mà thường gọi là kính cận. Một thấu kính lõm phù hợp sẽ giúp cho mắt điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc. Can thiệp vào giác mạc bằng phương pháp phẫu thuật cũng là cách điều chỉnh cận thị bằng máy móc hiện đại. Ngoài ra, chúng ta có thể đeo kính áp tròng ban đêm hoặc những lúc không thể đeo kính cận được như đến chỗ đông người theo nhu cầu thẩm mỹ cá nhân để chỉnh hình bề mặt giác mạc. Vì thế các BS chuyên khoa đều khẳng định, không có phương pháp nào tác động được vào cơ chế cận thị ngoài các cách trên.

“Người bị cận thị không nên nghe lời quảng cáo thiếu cơ sở khoa học trên các trang mạng mà cần đến các BV chuyên khoa mắt để được BS đo khám, tư vấn để chọn lựa loại kính đeo cũng như phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật phù hợp để khắc phục được tật khúc xạ mà hiện nay nhiều người nhất là trẻ em ở độ tuổi đi học mắc phải” – BS Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ BV FV (Pháp – Việt) nhắc nhở. 

Trong lúc đó, nhân viên tư vấn thần dược A.N giải thích, thuốc được chiết xuất từ các loại thảo dược quý như nhân sâm, bạch linh, kỳ tử có tác dụng thẩm thấu vào mắt để từ đó tác động trực tiếp lên võng mạc. Theo giải thích của nhân viên nhà thuốc, võng mạc bị giãn ra khi bị cận và võng mạc càng mỏng thì độ cận càng cao. Có thuốc uống vào võng mạc sẽ đàn hồi tốt hơn không phải căng lên nên điều trị được bệnh cận thị. Để tạo niềm tin, nhân viên còn khẳng định dù cận thị bẩm sinh hoặc nặng đến 5, 6 độ vẫn điều trị thành công do thuốc có tác dụng tốt. Thời gian chữa cận thị chỉ sau 15 ngày là có hiệu quả, không có tác dụng phụ và không phải đeo kính cồng kềnh.

Cần đến BV chuyên khoa nếu cận thị

Về nguyên nhân, nhà thuốc khẳng định do 3 yếu tố gồm: do thiếu ngủ hoặc ngủ ít, thiếu cân từ nhỏ, do yếu tố di truyền. Để mang niềm tin đến cho khách hàng, nhà thuốc yêu cầu gửi lại số điện thoại để cho BS Đông y tư vấn cụ thể. Nhà thuốc còn cảnh báo với lời khuyên: “Nếu như đi mổ không bao giờ BS nói với bạn rằng: “Bạn sẽ bị biến chứng”. Nhà thuốc đã photo một cuộc đối thoại ngắn với bệnh nhân có nội dung: “Em bị cận và mổ được gần 2 năm. Nhưng em vẫn cảm thấy mắt em vẫn không ổn hay nhức đi trời mưa rất rát. Em sợ bị cận lại”. Sau đó họ đã đưa ra bình luận chắc như đinh đóng cột: “Thực ra, tỷ lệ biến chứng cận thị rất cao và đây là một điển hình”.

Theo BS Lê Thúy Quỳnh – Phó Trưởng khoa Mắt trẻ em (BV Mắt Trung ương) trục nhãn cầu của người cận thị thường dài ra theo hình quả nhót khiến hình ảnh hiện lên không đúng võng mạc mà ở ngay phía trước nên ảnh bị nhòe. Như vậy, về nguyên tắc không thể cho thuốc gì vào cháo ăn để có thể làm co trục nhãn cầu này lại. BS.CK2 Trịnh Bạch Tuyết – Trưởng khoa Glaucoma (BV Mắt TP.HCM) đã giải thích cơ chế phương pháp mổ là để làm bào mòn thay đổi độ cong của giác mạc theo mức độ khúc xạ đo được của bệnh nhân. Các phương pháp can thiệp nhằm mục đích kéo ảnh hiện lên đúng vị trí của võng mạc. Kính áp tròng là một loại thấu kính cứng ấn giác mạc dẹt xuống để có thể khỏi cận thị tạm thời trong vòng dưới 24 tiếng đồng hồ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)