Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực nghiệp và thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH… tổ chức ngày 26-5 ở TP.HCM, các chuyên gia cho biết hiện có 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Con số này chắc hẳn có thể được xem xét dưới nhiều góc độ.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM đặt câu hỏi trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức năm 2016. Ảnh: N.Anh

Chẳng hạn, ở góc độ lao động, người ta sẽ đánh giá xem con số đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong tổng số lao động; ở góc độ xã hội học, con số đó sẽ được phân tích ở tỉ lệ trên tổng số bao nhiêu người có trình độ cử nhân và thạc sĩ của cả nước, ở các ngành/lĩnh vực nào, ở các địa phương nào…; ở góc độ giới, có thể xem xét số người thất nghiệp nữ là bao nhiêu, số người trên 35 tuổi là bao nhiêu… Như vậy, tùy theo góc nhìn, có thể cho rằng con số đó đáng báo động hay lo ngại đến mức nào, từ đó các nhà quản lý có thể có phương hướng điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Riêng ở góc độ giáo dục, tùy theo quan điểm và nhu cầu, con số này cũng có thể được xem xét ở nhiều khía cạnh và bản thân nó phản ánh rất nhiều điều. Nhưng gắn với vấn đề thực nghiệp, tức là học luôn đi cùng với một nghề nghiệp và học để làm việc theo một nghề nghiệp nhất định, con số này cũng gợi nhiều điều đáng suy nghĩ. Chẳng hạn, trong số 225.000 người này, bao nhiêu người có bằng thạc sĩ? Con số tuyệt đối và tỉ lệ này không đơn thuần nói lên một số lượng mà còn phản ánh một hiện trạng xã hội. Hiện nay, có không ít người học ĐH xong nhưng không tìm được việc làm hoặc chưa vội tìm việc làm mà học tiếp cao học. Việc học tập nâng cao trình độ nói chung là rất tốt và đáng khuyến khích, nhưng học trong tâm thế đó e rằng chưa ổn. Bằng thạc sĩ hiện nay vẫn thiên về học phương pháp, ít nhiều có tính nghiên cứu, chứ không phải thuần túy lấy kiến thức để làm việc, mà kiến thức đó vốn đã được trang bị ở bậc ĐH. Nếu học xong cử nhân mà vẫn thất nghiệp thì không có gì bảo đảm học xong thạc sĩ sẽ tìm được việc làm. Thậm chí, nếu phải nhận công việc không phù hợp, thu nhập không tương xứng thì người có bằng thạc sĩ sẽ dễ bỏ cuộc hơn người có bằng cử nhân.

Nếu học xong cử nhân mà vẫn thất nghiệp thì không có gì bảo đảm học xong thạc sĩ sẽ tìm được việc làm.

Hay trong số này, có bao nhiêu người không có việc làm vì không tìm được việc đúng với chuyên môn? Điều này cũng có nhiều ý nghĩa. Một người nếu không bức bách về đời sống có thể sẽ chỉ nhận việc phù hợp với chuyên môn của mình (cũng như một số yêu cầu khác như lương bổng, điều kiện làm việc…); hoặc nếu không làm việc đúng ngành mình đã học thì cũng không thể làm công việc khác do chưa được đào tạo. Nhưng hiện nay, cả hai điều này đều có những cung bậc rất khác: nhiều người sẵn sàng nhận việc khi cảm thấy “làm được” bất kể việc đó có phù hợp với chuyên môn hay không. Điều này cho thấy, một bằng cấp đôi khi không được định hướng nghề nghiệp một cách phù hợp, tức là học cốt có bằng, còn làm việc gì cũng được. Hóa ra, gần như có hiện tượng học không đi đôi với làm việc, dẫu có thực học nhưng chưa thực nghiệp.

Tránh chạy theo phong trào

Trong định hướng nghề nghiệp, chúng ta phải tránh chạy theo phong trào, từ xu hướng của bạn bè học chung trường đến trào lưu của xã hội. Trong việc này, cảnh báo của truyền thông là rất cần thiết, để hạn chế việc đổ dồn vào một số ngành nghề, lĩnh vực khi nhu cầu xã hội về ngành nghề đó dự báo sẽ không cao. Đồng thời, phải tránh sự áp đặt của gia đình, vốn được cho là “học vì cha mẹ chứ không vì bản thân”. Việc duy trì nghề nghiệp truyền thống của gia đình là tốt nhưng phải phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện cụ thể của từng người. Dĩ nhiên, phải tránh “chọn đại”, điều vốn rất thường xảy ra, bởi các em không có sự chuẩn bị tốt về mặt nghề nghiệp, cũng không được định hướng đầy đủ.

Từ đó có thể thấy, cần có sự định hướng nghề nghiệp tích cực hơn nữa. Việc chọn nghề phải dựa theo khả năng, sở thích, điều kiện để theo học, đồng thời ít nhiều phải gắn với điều kiện xã hội cụ thể. Sự định hướng này phải do gia đình, nhà trường và xã hội tổ chức, chứ bản thân học sinh phổ thông chưa đủ thông tin và kinh nghiệm để xác định. Chính vì việc định hướng này có lúc chưa tốt nên nhiều năm trước, học sinh ồ ạt chọn các ngành tài chính, kế toán…, dẫn đến dư thừa lao động có chuyên môn về lĩnh vực này; điều đó cũng có nghĩa là nhiều người phải làm nghề khác chuyên môn hoặc chịu thất nghiệp.

Cuối cùng, phải thực sự nâng cao chất lượng đào tạo bậc cử nhân và cao học. Đã có ý kiến cho rằng, ĐH là “cấp 4”, cao học là “cấp 5”; điều này phải được khắc phục triệt để. Người học xong chương trình ĐH phải cơ bản làm được công việc chuyên môn liên quan ngành nghề mình được đào tạo ở mức khá trở lên, tránh việc phải đào tạo lại, tránh hiện tượng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, nhất là những ngành liên quan đến kỹ thuật. Yêu cầu “thực học” bao gồm cả sự học tập nghiêm túc của người học và sự giảng dạy phù hợp, tích cực của nhà trường; yêu cầu “thực nghiệp” bao gồm cả việc chọn đúng nghề của người học và việc dạy đúng những thứ mà xã hội đang cần ở nghề đó của nhà trường. Phải có cả “thực học” và “thực nghiệp” thì mới hạn chế được tình trạng thất nghiệp!

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)