Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực phẩm an toàn – cuộc chiến giành lại niềm tin: Tự cứu…

Tạp Chí Giáo Dục

Do mất niềm tin từ các nguồn cung cấp truyền thống là chợ và kể cả siêu thị, nên người dân đô thị TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã phải tìm đến nhiều nguồn cung cấp được cho là đáng tin hơn, thậm chí có người ví như là liệu pháp tâm lý để yên tâm là có được nguồn rau quả an toàn cho gia đình.

Tự cung, tự cấp có chắc ăn?

Xu hướng hiện nay để có nguồn rau an toàn, sạch cho gia đình là tự trồng rau quả trên mặt bằng sân thượng hay các ban công trong nhà phố, không chỉ ở TPHCM, Hà Nội mà còn cả những thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Đào (Công ty Gino TPHCM), nhà khoa học đi đầu trong sản xuất và cung cấp rau an toàn vào giữa thập niên 1990, cho biết từ năm 2006 trở đi, lượng khách tìm đến Gino mua và hỏi cách trồng rau xanh tại nhà ngày càng gia tăng; đặc biệt thời gian gần đây, khi thông tin về thực phẩm không an toàn ngày càng gia tăng, nhiều người đã giảm bớt diện tích trồng hoa kiểng, chuyển qua trồng rau quả cho nhu cầu hàng ngày của gia đình. Việc mua vật tư hay lắp đặt thiết bị trồng rau quả, kể cả cây ăn trái trên sân thượng phát triển rất nhanh. Danh sách khách hàng thường xuyên của Gino lên đến hơn 5.000 người. Hiện nay, Gino đang nghiên cứu và mở rộng mô hình này vào các huyện, xã nông thôn mới có xu hướng đô thị thông qua Hội Làm vườn TP và Hội Nông dân TP.

Sơ chế rau VietGAP (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Tuy nhiên, việc trồng rau quả trong nhà như một hình thức tự cung tự cấp cũng có những phát sinh ngoài ý muốn nếu không biết cách. Do thường xuyên ẩm ướt, rau quả ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên thu hút nhiều côn trùng, kể cả muỗi trong nhà cũng nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em. Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, cần có lưới chống côn trùng cho khu trồng. Ngoài ra, nếu có khung giàn trồng phải có sự gắn kết chặt để không bị gió giật khi mùa mưa đến.

Gần đây, có nơi xuất hiện cả việc chăn nuôi trên sân thượng, như nuôi gà để lấy trứng, thịt. Đây là điều lợi bất cập hại. Dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2003, TP quy định cấm nuôi gia cầm trong khu dân cư, đặc biệt là các quận nội thành, do nguy cơ ô nhiễm và lây lan dịch bệnh qua người. 

Bên cạnh đó là sự xuất hiện việc trồng rau trên nhiều vùng đất nông nghiệp đang đô thị hóa nhưng chưa xây dựng, đất bị bỏ hoang. Những người đến ở trước tranh thủ trồng để có nguồn rau cho gia đình, do không tiêu thụ hết đã bán tại chỗ cho những người xung quanh. Nhưng với cách này, theo Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, để sản xuất rau an toàn, ngoài tuân thủ quy trình trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc theo danh mục, còn phải xem xét đến nguồn nước, đặc biệt là chất đất trồng có thật sự đảm bảo hay không. Các vùng trồng rau an toàn và VietGAP ở ngoại thành TP đều phải được quản lý, kiểm tra trước khi được công nhận đủ điều kiện để trồng. Điều này không phải người trồng tự phát hay người tiêu dùng nào cũng biết.

Chợ trên mạng, chợ phiên nông sản đắt khách

Một cách tiếp cận nguồn rau quả an toàn khác, đó là từ các chợ phiên. Năm 2016 là năm thứ tư Hội Nông dân TPHCM tổ chức phiên chợ nông sản tại khu công viên Làng hoa Gò Vấp. Đây là nơi giới thiệu các sản phẩm đặc trưng nông nghiệp đô thị, bên cạnh cây, con giống còn có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đặc trưng của TP như cây kiểng, hoa lan các loại, cá cảnh. Một sản phẩm khác mà người dân đến với chợ phiên thường tìm mua nhiều là rau quả an toàn từ các hợp tác xã hay tổ sản xuất rau an toàn và rau VietGAP của các huyện ngoại thành.

Mục đích của ban tổ chức là để bà con nông dân tham gia, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Qua 4 lần tổ chức, quy mô tăng dần, từ 61 gian hàng năm 2013 năm nay lên gần 200 gian hàng. Đây còn là dịp để người tiêu dùng tiếp cận và biết nhiều hơn các sản phẩm rau quả an toàn các nơi, có thêm đầu mối để liên hệ tìm mua. Hội Nông dân TP cho biết, do nhu cầu cao, sau chợ phiên nông sản cuối tháng 5-2016 sẽ tổ chức chợ phiên thứ hai vào cuối năm nay và sẽ dần dần tiến tới định kỳ hàng quý.

Gần đây, người dân TPHCM có thêm kênh mua nông sản an toàn, đó là những chợ phiên tổ chức 2 lần/tháng do chính bà con nông dân các tỉnh mang về TPHCM bán. Tháng 1-2016, chợ phiên Lương Nông (quận 1) ra đời từ ý tưởng của nhóm khách hàng và nông dân có chung quan tâm về nông sản. Đầu mối liên kết nông dân là bà Nghiêm Thị Thảo.

Qua facebook, bà kết nối những người có cùng mong muốn sử dụng thực phẩm an toàn. Phiên chợ Xanh tử tế (quận 3) bán hàng ba miền như nho Ninh Thuận, rau dền, khô cá lóc của Bến Tre… vào mỗi cuối tuần. Đây là chợ phiên có sự hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) với mục đích là giúp người sản xuất nhờ tiếp xúc trực tiếp nên nắm bắt nhu cầu người mua, qua đó sản xuất phù hợp và nâng cao kỹ năng bán hàng. Đây cũng là dịp để người mua có thêm kiến thức lựa chọn hàng hóa an toàn. 

Một hình thức khác là mở điểm bán rau an toàn tại các cơ quan. Điểm bán rau an toàn lâu đời nhất ở TPHCM là trong khuôn viên Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn TPHCM, trên đường Hai Bà Trưng (quận 1).

Gần đây, Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao, cho biết đã nhận được yêu cầu của một số sở, ngành và một trường đại học lớn ở nội thành đặt vấn đề giúp mở cửa hàng rau an toàn tại các sở và tại trường, để cán bộ công nhân viên và sinh viên có thể tiếp cận nguồn rau quả an toàn. Mua bán rau quả an toàn qua mạng cũng là hình thức khá mới mẻ thu hút được những người thường xuyên sử dụng internet. Tuy nhiên, mua qua hình thức này cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, thương hiệu uy tín trước tình trạng vàng thau lẫn lộn hiện nay

THI HỒNG – ĐĂNG LÃM/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)