Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực phẩm an toàn – cuộc chiến giành lại niềm tin: Vàng thau lẫn lộn

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP Đồng Nai bị trà trộn lẫn với heo có chất tạo nạc, rồi việc Công ty Rau sạch Ba Chữ Hà Nội bị phát hiện đưa thêm nguồn rau trôi nổi cung cấp cho siêu thị… khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong khi đó, nhiều sản phẩm rau quả, thịt an toàn đạt chuẩn VietGAP của các HTX, tổ sản xuất phải loay hoay tìm đầu ra. Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như trên đang khiến người sản xuất, doanh nghiệp chân chính gặp khó, người tiêu dùng không biết mua thực phẩm ở đâu thật sự an toàn.

Khi niềm tin bị lung lay 

Để kiểm tra thử độ an toàn của thực phẩm bày bán ở các chợ, chúng tôi mua 3 mẫu tôm sú lần lượt tại 3 chợ truyền thống TPHCM: Tân Chánh Hiệp (quận 12), Võ Thành Trang (quận Tân Bình), Hòa Hưng (quận 10) mang đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) với yêu cầu kiểm tra tôm có bị tồn lưu các hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, gồm Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin và độ an toàn thực phẩm. Kết quả từ Quatest 3 cho thấy, các mẫu tôm sú trên đều phù hợp với Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT về “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” của Bộ Y tế. Như vậy, mặt hàng tôm sú bán tại một vài chợ truyền thống không quá lo ngại như suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng. Tất nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt chưa thể khái quát hết toàn cục.

Tại Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TPHCM, chúng tôi được biết, trong tháng 5-2016, chi cục phát hiện một vụ kinh doanh cải ngồng tại chợ đầu mối Bình Điền có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, 96,9% mẫu rau, quả, trái cây các loại tại TP mà chi cục lấy mẫu kiểm tra đều đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, điều băn khoăn là khi chúng tôi hỏi, xử lý như thế nào với số ít 3,1% rau củ, trái cây chưa an toàn này, Chi cục BVTV TPHCM cho biết, bất cập hiện nay là từ lúc lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm tra định lượng (mất 5-7 ngày) thì lô hàng đã bán hết ra thị trường. Kết quả chủ yếu chỉ để thông báo lại cho địa phương chú ý theo dõi những lô hàng sau.

Đợt kiểm tra khu bán hóa chất tại chợ Kim Biên ngày 27-5 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP tiếp tục phát hiện chất vàng ô, chất tẩy trắng… không được dùng cho thực phẩm vẫn bày bán tràn lan. Đây là điều đáng lo ngại hiện nay, bởi người dân bình thường không thể phát hiện gà hay măng, dưa chua có chất vàng ô; chất tạo màu trong con ruốc; chất kích thích tăng trưởng siêu nhanh trong làm giá; chất cấm trong chả giò, trong bún hay bánh phở; chất tẩy trắng chân gà; chất kích nở lòng heo bằng bột không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc… 

Nuôi heo VietGAP tại Xí nghiệp chăn nuôi heo Đồng Hiệp     Ảnh: CAO THĂNG

Thực phẩm an toàn ở đâu ?

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản hữu cơ bức xúc cho rằng: “Hiện nay hầu như chưa có cơ chế bảo vệ những đơn vị sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính, bài bản. Điều này dẫn tới tình trạng vàng thau lẫn lộn, khiến một số cơ sở kinh doanh chụp giựt thoải mái tự cho là sản phẩm sạch, an toàn trong khi hàng không đảm bảo chất lượng… Rõ ràng, đây là hành vi móc túi, lừa đảo người tiêu dùng một cách trắng trợn”. Trao đổi về cách nhận diện rau củ quả an toàn, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Anh Đào ở Đà Lạt (chuyên sản xuất và cung cấp rau sạch đạt chuẩn VietGAP cho nhiều thị trường), cho biết: “Về cảm quan người tiêu dùng không dễ nhận diện được. Do vậy, người mua hãy chọn các điểm bán uy tín, có thương hiệu để dễ truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, mỗi ngày HTX Anh Đào cung cấp cho thị trường (Saigon Co.op, Satra, Maximark…) khoảng 49 tấn rau quả an toàn của Đà Lạt. Sắp tới, HTX sẽ đưa vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc dựa trên mã vạch in ở bao bì sản phẩm. Người dùng chỉ việc lấy điện thoại thông minh chụp ảnh mã vạch để có thể truy ra quy trình sản xuất”.

Thật ra rau an toàn không thiếu, theo các hợp tác xã và tổ sản xuất rau an toàn VietGAP tại TPHCM, do sản lượng thu hoạch của các xã viên và tổ viên đều nhiều hơn hợp đồng cung ứng cho các siêu thị, nhà trường hay bếp tập thể, nên rau VietGAP ngày nào cũng đưa ra bán cho các chợ truyền thống; tuy nhiên, sạp bán rau ở các chợ bày bán rau sạch chung các loại rau quả khác nên người tiêu dùng không thể nhận diện. Tương tự, nhiều năm qua, dù được chứng nhận thịt heo VietGAP, nhưng các xã viên HTX Chăn nuôi Tiên Phong (huyện Củ Chi) do không tìm ra đầu mối tiêu thụ nên phải bán ra thị trường như thịt heo nuôi bình thường, không ai biết. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết heo VietGAP sau khi giết mổ theo chuẩn VietGAP sẽ được vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu dùng thông qua các điểm bán thịt heo VietGAP như ở chợ Hòa Bình… Tuy nhiên, lượng heo VietGAP của công ty khá nhiều, nên công ty còn phải bỏ mối cho các điểm kinh doanh bên ngoài nhưng không cấp giấy kiểm dịch, không có dấu hiệu nhận diện heo VietGAP của An Hạ để tránh tình trạng làm mất thương hiệu công ty. Vài dẫn chứng trên đây để thấy rằng, hàng ngày, người tiêu dùng có thể đang sử dụng rau quả sạch hay thịt heo VietGAP mà không hay biết; ngược lại, cũng có những sản phẩm trôi nổi nhưng lại gắn mác an toàn hay VietGAP để lừa người mua. Nhà nước cần có cơ chế nhằm bảo vệ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn chân chính; đồng thời qua đó tìm cách vực dậy niềm tin của người tiêu dùng.

THI HỒNG – ĐĂNG LÃM/ SGGP

 

Bình luận (0)