Người dân ở TPHCM đang đứng trước mê trận thực phẩm bẩn và bị “nhiễu loạn” trước thị trường thực phẩm vì không biết đâu là thực phẩm sạch.
Tứ bề
Ngày 9/3, lực lượng chức năng huyện Bình Chánh, TPHCM phát hiện một cơ sở trên địa bàn này có 5 kho lạnh chứa gần 40 tấn thịt heo không có giấy tờ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Trong đó, có khoảng 15 tấn thịt đã chuyển màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối nặng và khoảng 27 tấn thịt heo khác được lưu trữ trong kho lạnh cũng đang bị chuyển màu. Chủ kho hàng cho biết, toàn bộ thịt heo trong kho được ông thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó phân phối về các địa phương để bán cho bếp ăn công nghiệp…
Cầm tấm bìa nhựa phẩy phẩy đuổi ruồi, bà P. bán mì xào bên lề đường ở quận Bình Tân chỉ cách làm thức ăn giá rẻ: “Nói mì xào bò cho có chứ hộp mì xào 10.000 đồng lấy đâu ra bò. Mua thịt lợn về ướp với hương liệu bò cho có mùi được rồi. Hương liệu bán đầy trên chợ Kim Biên đó, loại nào chả có. Muốn mua bao nhiêu chả được”, bà P. nói khi phóng viên hỏi mua hương liệu ở đâu.
Đúng như lời của bà P. dọc các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM, hàng chục sạp bán hóa chất, hương liệu bày sản phẩm tràn lan. Các loại hương liệu bò, hương liệu làm trà sữa… được bán với giá rất rẻ. Dù tỏ ra cảnh giác với khách hàng mới nhưng những chủ sạp hàng ở đây vẫn sẵn sàng bán các loại hương liệu, hóa chất làm tươi thịt, biến thịt heo thành thịt trâu, bò, đà điểu… “Em muốn mua loại nào, nấu bún bò, bò kho hay giữ thịt tươi lâu đều có. Lấy hương liệu về ngâm với thịt heo là có mùi y như thịt bò, nấu nước lèo chỉ cần cho một ít hương liệu vào là thơm ngon liền. Người bình thường không phân biệt được đâu”, chủ sạp M.H giới thiệu.
Không chỉ ở các khu chợ tự phát mà tại một số chợ đầu mối lớn, các loại thịt cá, rau củ quả nhập từ Trung Quốc được bán với giá rất rẻ, tiêu thụ cực nhanh. Nhiều thương lái mua hoa quả Trung Quốc về bày bán tràn lan trên vỉa hè dưới mác hoa quả Việt Nam. Gần 1h sáng 10/3, có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức) chỉ trong vòng một giờ đồng hồ có hàng chục xe tải loại lớn chở trái cây Trung Quốc nhập vào chợ. Khi được hỏi giá cả các loại trái cây, những chủ sạp ở đây không ngần ngại khi nói thẳng hàng Trung Quốc rẻ bằng 1/3 hàng Việt Nam.
“Mua về buôn thì em lấy hàng Trung Quốc đi, giá rẻ hơn nhiều mà ngon hơn, nhìn bắt mắt hơn, để lâu không sợ hư mà bán lại lời nhiều. Mấy người bán xe đẩy toàn lấy hàng của chị về ghi là ổi vườn, ổi Long An, mận Hà Nội… bán chứ mấy ai lấy hàng kia (trái cây Việt-PV)”, bà Q. chủ sạp trái cây tại khu A, thú thật.
Bao giờ hết “vừa ăn vừa run”?
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước về ATTP tại TPHCM còn nhiều bất cập do có sự chồng chéo giữa 3 ngành gồm Y tế, Công Thương và Nông nghiệp cùng tham gia quản lý từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn. Dù vậy, khi có sự cố xảy ra thì không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia trong lĩnh vực ATTP nhận định, người dân bị “nhiễu loạn” trước thị trường thực phẩm vì không biết đâu là thực phẩm sạch. Hàng loạt các chứng nhận chất lượng, phương thức quản lý được các hội ngành, cơ quan chức năng lập ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có một tiêu chuẩn chung, làm giảm lòng tin của người dân vào thực phẩm an toàn.
Mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP TPHCM đang được kỳ vọng kiểm soát được an toàn thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn của mọi gia đình; chấm dứt tình trạng một miếng ăn có tới ba bộ quản lý, gây nên tình trạng tréo ngoe như bao lâu nay. “Rõ ràng Ban quản lý ATTP TPHCM có đủ điều kiện để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ A-Z tất cả mặt hàng là thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây”, ông Thành nói.
Đồng tình với chủ trương thành lập Ban quản lý ATTP, BS.Trần Văn Ký – Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam cho rằng: “Cơ quan nhà nước trước giờ chỉ hay kiểm tra cơ sở kinh doanh lớn mà bỏ qua các điểm nhỏ lẻ, tiểu thương, chợ tự phát… Chính những nơi này mới là “ổ” đầy nguy cơ của thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, nếu chỉ có một vài người tham gia Ban quản lý ATTP mà chịu trách nhiệm bữa ăn của 12 triệu dân thành phố là điều không tưởng. Theo tôi, chúng ta cần tuyên truyền, xã hội hóa ATTP đến từng người dân tham gia thì mới phát huy hiệu quả”.
Hôm nay (11/3), TPHCM tổ chức công bố Quyết định thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM dưới sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng đồng ý cho TPHCM thí điểm trong vòng 3 năm, nhằm quản lý ATTP của thành phố đông dân nhất cả nước đi vào nề nếp, hiệu quả, tránh chồng chéo giữa các ngành y tế, công thương và nông nghiệp, vốn lâu nay quản lý không hiệu quả.
Uyên Phương-Ngô Bình-Văn Minh (TPO)
Bình luận (0)