Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực phẩm bẩn quanh quẩn bàn ăn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-12, ngày làm việc thứ 3 của HĐND TP.HCM khóa VIII. Tại đây, các đại biểu (ĐB) đã chất vấn lãnh đạo các sở, quận, huyện nhiều vấn đề sát sườn cuộc sống của người dân. Trong đó nổi bật là dự án treo và thực phẩm bẩn…

Thực phẩm bẩn còn nhiều trong bữa ăn

Có thể nói vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn làm nóng các kỳ họp HĐND TP. ĐB Phạm Hưng Út bức xúc: Vấn đề VSATTP tại các chợ, nhất là những chợ nhỏ ở các KCN, KCX là hết sức báo động. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nòi giống, đề nghị HĐND TP có một nghị quyết về chuyện ăn uống của người dân?

Trong khi đó, ĐB Từ Minh Thiện thì cho rằng phải đóng cửa những cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm bẩn…

ĐB Từ Minh Thiện cho rằng phải đóng cửa những cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm bẩn…

Trả lời chất vấn của ĐB HĐND, ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết: Tới thời điểm này đã có 5 doanh nghiệp với 246 điểm bán cam kết bán rau củ quả và thịt an toàn. Bên cạnh đó TP còn có 179 siêu thị, 705 cửa hàng tiện ích và 240 chợ truyền thống được phủ khắp 24 quận, huyện. Tất cả đều được các cơ quan liên ngành kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, Sở Công thương TP cũng đã liên kết với các địa phương để tìm nguồn hàng chất lượng, giá chấp nhận được để phục vụ người dân TP.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP – thời gian qua, TP đã triển khai mô hình thức ăn đường phố, chuỗi thực phẩm sạch, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể. Đặc biệt, các KCN, KCX đã đăng ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Theo đó, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm mạnh.

Tuy nhiên, “Thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều trong bữa ăn của người dân TP. Nguyên nhân vì sao?”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP – đặt câu hỏi.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP – trả lời: Do cơ chế. Cụ thể như vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, trước đây khi phát hiện, TP đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho tiêu hủy heo có chất cấm. Năm 2010, bộ ra quy định nửa vời vừa cho tiêu hủy, vừa cho giết mổ. Hiện nay, sở dĩ vấn đề chất cấm rộ lên là do thương lái Trung Quốc đang tìm mua heo từ 120kg (theo thu mua truyền thống của thương lái Việt Nam thì chọn mua heo trên dưới 100kg) nên kích thích người chăn nuôi sử dụng chất cấm.

Nhiều ĐB tỏ ra khó hiểu khi tới mấy sở, ngành quản lý nhưng cuối cùng bữa ăn cho người dân vẫn không an toàn. Phải chăng là sự phối hợp còn lỏng lẻo?

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết: Vấn đề VSATTP là vấn đề phức tạp nên TP thành lập Ban chỉ đạo. Thời gian qua, các sở luôn phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau trong việc đảm bảo cung cấp bữa ăn sạch cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2015, TP đã chọn là Năm ATVSTP chứ không phải Tháng ATVSTP như trước đây. Tuy vậy kết quả vẫn chưa được như mong đợi…

Cơ bản chấm dứt dự án treo?

Đó là khẳng định của ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Thực hiện Nghị quyết số 16/2012 của HĐND TP khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý đô thị, đến nay, UBND TP đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất của 564 dự án, diện tích 5.736,1ha; đã điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích để sớm kết thúc 9 dự án, giảm 137,2ha…

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Đông thì không đồng ý với khẳng định này. Bởi, trong quá trình đi giám sát ở H.Bình Chánh, ông phát hiện có một số dự án đền bù kiểu da beo (gom lại khoảng 40% dự án), 5-6 tháng nay các dự án này án binh bất động. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân…

ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng bức xúc: Tại H.Củ Chi có hai dự án treo quá lâu, đó là dự án viện Trường ĐH Y và khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Hai dự án này đã khiến 26 tuyến đường là các công trình trong việc xây dựng nông thôn mới không thể triển khai. Mặt khác cũng ảnh hưởng đến việc làm ăn của người dân…

Vấn đề này, ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP – cũng thừa nhận: Quy hoạch là định hướng phát triển lâu dài, tuy nhiên kéo dài quá sẽ gây bức xúc cho Nhân dân. Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở liên quan đang xin chủ trương của UBND TP để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân.

Bên cạnh vấn đề dự án treo treo quá lâu, nhiều ĐB HĐND còn bức xúc về vấn đề nhà không phép và sai phép. ĐB Trương Lâm Danh chất vấn: Năm 2013, số vi phạm là 3.814 công trình, năm 2014 giảm còn 2.534 công trình. Nhưng năm 2015 lại tăng, mới có 9 tháng đầu năm mà đã có 2.280 công trình vi phạm. Như vậy hiệu quả công tác quản lý như thế nào?

Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP – trả lời: Tỷ lệ vi phạm năm 2015 tăng hơn 2014 là do số lượt thanh tra cũng như số công trình xây dựng tăng. Giải pháp của sở trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong cấp phép xây dựng, công khai quy hoạch xây dựng; phát triển nhà ở xã hội; tăng cường quản lý, giáo dục lực lượng thanh tra xây dựng…

Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu HĐND còn chất vấn Sở Giao thông vận tải, Sở Công an, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Thông tin & Truyền thông… về các vấn đề bức xúc của dân như game bắn cá lộng hành ở ngoại thành, tình hình đảm bảo an ninh trật tự, kẹt xe, ngập nước, hoạt động thiếu hiệu quả của xe buýt…

Chiều nay (ngày 11-12), kỳ họp sẽ bế mạc.

Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Bình luận (0)