Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực phẩm: Bao giờ mới an toàn, vệ sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ăn hàng rong rất dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: T.L

Sáng 30-3, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2009. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, nếu không quản lý được các hộ sản xuất – kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì không thể ngăn chặn được nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP)…
Chỉ kiểm soát được 20% hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Theo ông Huấn, cả nước hiện có 9,4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Nhưng chỉ có 20% trong số đó được cấp giấy chứng nhận VSATTP, số còn lại không đủ điều kiện để cấp giấy. “Không có giấy chứng nhận VSATTP nhưng cán bộ kinh doanh vẫn sản xuất, vẫn cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm kém chất lượng. Nào là mỡ bẩn, hành phi bẩn, hạt dưa có chất gây ung thư…”, ông Huấn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) An Giang: “Toàn tỉnh có trên 16 ngàn cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, nhưng chỉ 8% cơ sở được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Nguyên nhân là rất nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có tiền để đi khám sức khỏe theo yêu cầu của ngành y tế”. Tương tự, ở tỉnh Cà Mau, trong số 2.071 cơ sở sản xuất – kinh doanh nhỏ (do cấp xã quản lý) chỉ có trên 200 cơ sở được cấp giấy chứng nhận. “Khi chúng tôi yêu cầu các cơ sở này phải hoàn chỉnh điều kiện cơ sở vật chất nhằm đảm bảo VSATTP, các chủ cơ sở nói: “Nếu nâng cấp cơ sở vật chất thì phải đóng thuế, còn bán ngoài vỉa hè thì không phải đóng”. Thế là họ bỏ qua các yêu cầu của ngành y tế và cũng không cần được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đóng cửa các cửa hàng này vì đóng chỗ này, họ mở chỗ kia…”, đại diện ngành y tế tỉnh Cà Mau tâm sự.
Trong năm 2009, cả nước đã tiến hành thanh tra 284.231 cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm, phát hiện 48.355 cơ sở vi phạm (chiếm trên 17%), nhiều cơ sở đã bị đóng cửa. Tuy vậy, so với tổng số cơ sở hiện có thì số cơ sở được thanh tra chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Và hậu quả là đã xảy ra 152 vụ NĐTP với 5.212 người mắc và 35 người tử vong.
“So với năm 2008, tình hình NĐTP có giảm về số vụ (giảm 53 vụ), số người mắc (giảm 2.616 người) và số người tử vong (giảm 26 người) nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Và điều đáng nói là những con số này chưa chính xác, chỉ là một phần so với thực tế số vụ NĐTP xảy ra tại các địa phương”, ông Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế khẳng định.
Nhiều bất cập cần được tháo gỡ

Những hàng rong như thế này rất khó cấp giấy chứng nhận VSATTP

Một trong những bất cập lớn nhất trong việc quản lý VSATTP hiện nay chính là khung xử phạt đối với những cơ sở vi phạm. Mức xử phạt chỉ dao động từ 5 – 100 triệu đồng. “Với những doanh nghiệp lớn, khi vi phạm chỉ bị xử phạt 100 triệu đồng là quá nhẹ. Với họ, 100 triệu đồng không đáng là bao. Còn với những người bán hàng rong, dù bị xử phạt ở mức thấp nhất (5 triệu đồng) cũng là một khoản tiền rất lớn. Chúng ta cần loại bỏ khung xử phạt này”, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị.
Về nhân sự, ông Khẩn cho rằng: “Mỗi tỉnh, thành phải có ít nhất 25 người/Chi cục ATVSTP”. Song, trên thực tế, ở nhiều địa phương con số này chỉ là 5 – 6 người. Điển hình như tỉnh Đăk Lăk: Sau 4 tháng thành lập, chi cục mới có người để làm việc. Mặc dù vậy cũng chỉ có 6 người vào biên chế, 9 người còn lại là hợp đồng. Với những người làm hợp đồng không thể giao việc cụ thể mà tùy từng giai đoạn để phân việc. TP.HCM cũng không thoát khỏi tình cảnh này, “Chi cục trưởng, chi cục phó và các trưởng phòng đã đủ nhưng chỉ có “tướng” chứ không có lính”, ông Giang tâm sự. Nhân sự đã thiếu về số lượng lại yếu về năng lực. “Các đoàn thanh tra rất khó phân biệt được đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi, trong khi trình độ của thanh tra viên còn kém”, đại diện ngành y tế Đăk Lăk thừa nhận.
Về cơ sở vật chất, nhiều chi cục phải “ở đậu” tại trung tâm y tế dự phòng hay sở y tế địa phương. Thiếu phương tiện đi thanh tra, như tỉnh An Giang phải thuê taxi để đi, khiến các cơ sở bị thanh tra “coi thường”.
Vấn đề mà nhiều địa phương bức xúc nhất là việc quản lý chồng chéo. Cụ thể như thực phẩm đông lạnh. “Một con gà đông lạnh được rã đông rồi đem ra chợ bán, bán không hết thì tái đông. Và ngày hôm sau tiếp tục rã đông rồi tái đông. Không biết con gà này do ngành y tế hay ngành nông nghiệp quản lý…”, đại diện tỉnh Cà Mau phản ánh.
Trước những bức xúc của các địa phương, ông Huấn cho biết sẽ cố gắng giải quyết, cái nào không thuộc thẩm quyền thì trình lên quốc hội…
Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)