Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực phẩm chức năng: “Thau” nhiều, “vàng” chẳng bao nhiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm đếm TPCN nhập lậu bắt giữ tại phường Trung Liệt.  Ảnh: I.T

Chưa bao giờ thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) trong nước lại nhộn nhịp như bây giờ. Cứ lật báo và bật ti vi là lại thấy TPCN “nhảy múa”. Điều đáng quan ngại là nhiều sản phẩm đã được “thổi phồng” về công dụng và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…
“Thau” nhiều hơn “vàng”
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, năm 2011, cả nước có 3.208 loại sản phẩm TPCN (cả sản xuất và nhập khẩu), năm 2012 tăng lên 4.920 sản phẩm, hiện nay là gần 7.000 sản phẩm. Phần lớn các loại TPCN nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Canada. Tuy nhiên, số sản phẩm TPCN được lưu hành trên thị trường cao gấp nhiều lần con số này. Bởi hàng xách tay, nhập lậu ở nước ngoài về Việt Nam rất khó kiểm soát. Rồi hàng giả, hàng nhái tràn lan, “ruột” là của Trung Quốc nhưng vỏ lại ghi “Made in USA”.
Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 1-2015, lực lượng chức năng đã bắt được hàng chục tấn TPCN giả. Cụ thể, ngày 14-1, Phòng 8 Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an phía Nam phối hợp với Công an Q.7, TP.HCM đã kiểm tra 3 căn nhà tại Khu dân cư Tân Quy Đông, Khu dân cư Nam Long – Q.7. Qua đó phát hiện và thu giữ 600 thùng TPCN giả mang nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, Eva, Best, cà phê xanh nâu, Lisu hồng, 3Days…
Ngày 24-1, Đội 4 (PC49) đã phối hợp Đội 8 (PC46) Công an Hà Nội bắt quả tang Nguyễn Tuấn Linh (sinh năm 1984, trú tại P.Hà Huy Tập, TP.Vinh, Nghệ An) đang vận chuyển 170 hộp sữa ong chúa giả nhãn hiệu Costar/Royal Jelly 1450  đi tiêu thụ tại phố Trần Khát Chân, P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đối tượng Linh khai nhận vận chuyển số hàng trên cho Hoàng Thị Hồng Liên (sinh năm 1982, trú tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp 5 kho là nơi tập kết và sản xuất TPCN giả của đối tượng Liên tại chợ, trung tâm giao thương quốc tế (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Theo đó đã thu giữ 505 thùng các tông (mỗi thùng nặng khoảng 20kg), 14 bao tải (tương đương 12 tấn hàng hóa) và 6 máy dùng để sản xuất, đóng gói sản phẩm. Gồm 12.584 hộp, 1.980 gói, 663kg viên nang các loại TPCN giả nhãn hiệu sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen, glucosamin, Ginkgo, tảo Nhật, dầu cá, trà giảm béo, tỏi đen, Myoking, ô mai giảm béo, bikini, placenta essence; 21.737 vỏ hộp, 4.703 nhãn, 1.500 tem sữa ong chúa là 1.500 tem các loại. Các sản phẩm chủ yếu làm giả xuất xứ của Mỹ, Úc, Đức…
Bà Ngô Hoa Lư – Giám đốc Trung tâm Thuốc, mỹ phẩm TP.HCM – cho biết: Từ năm 2012 đến năm 2014, trung tâm đã lấy 114 mẫu TPCN để kiểm nghiệm. Kết quả phát hiện 27 mẫu không đạt. Điều đáng nói là, số mẫu không đạt tăng lên hàng năm, năm 2014 tăng 2,7 lần so với năm 2013. Trong đó có không ít sản phẩm ghi rất nhiều hoạt chất nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có vài hoạt chất, thậm chí có cả những hoạt chất không có trong công bố của sản phẩm.
TPCN không phải “thần dược”
Sở dĩ thị trường TPCN phát triển nhanh và được làm giả nhiều như vậy là bởi đa số người tiêu dùng chưa thật sự hiểu đúng về loại sản phẩm này. Thậm chí có nhiều người còn coi đây là thuốc chữa bệnh, là “thần dược”.
Tại Hội thảo TPCN do UBMTTQ VN TP.HCM tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, bà Phan Thị Việt Thu – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM – cho biết: Hầu hết người tiêu dùng chỉ biết và sử dụng TPCN thông qua các kênh quảng cáo, truyền miệng. Theo đó, các doanh nghiệp cứ thản nhiên “thổi phồng” những công dụng của loại sản phẩm này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn cố tình mập mờ giữa TPCN và thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Ông Đồng Văn Khiêm – Ủy viên UBMTTQ VN TP.HCM – kể: “Sau khi xem một chương trình truyền hình về điều trị suy nhược thần kinh, trong đó có bác sĩ của một bệnh viện lớn giới thiệu sản phẩm TPCN hỗ trợ điều trị, tôi đã tìm mua. Uống hơn 6 tháng mà không thấy tác dụng. Thế nên tôi đã bỏ công tìm hiểu và phát hiện sản phẩm này không được lưu hành ở nước đã sản xuất ra nó vì không đúng với chức năng công bố”.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế – cho biết: “Hình thức quảng cáo TPCN rất phức tạp, từ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí đến website, facebook, tờ rơi. Do vậy, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, việc xét nghiệm xác định các hoạt chất trong TPCN còn hạn chế”.
Từ những thực tế này, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn –  Phó chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM – cho rằng: “Cần sớm khắc phục “lỗ hổng” trong công tác quản lý và sớm đầu tư các thiết bị kiểm nghiệm để đánh giá đúng chất lượng, tính an toàn của TPCN. Đồng thời, cương quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chương trình quảng cáo TPCN có sai phạm”.
Trước những bức xúc của dư luận, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 43 (có hiệu lực từ ngày 1-2). Theo đó, TPCN công bố có tác dụng đối với sức khỏe phải được thử nghiệm tại các đơn vị có chức năng nghiên cứu y học. Đối với sản phẩm công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thử nghiệm tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên. TPCN nhập khẩu, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan có thẩm quyền nước sở tại thừa nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Riêng việc quảng cáo TPCN phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo, đặc biệt phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)