Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực phẩm giúp trẻ cải thiện dinh dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sữa là thực phẩm không thể thiếu đối với trẻ em. Ảnh: K.Anh

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, tình trạng dinh dưỡng của người dân đã khá hơn trước. Một trong những thực phẩm giúp cải thiện tình trạng này là sữa.
Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng với nhiều chủng loại. Điều đó khiến cho người tiêu dùng “hoa cả mắt”, không biết phải chọn loại sữa nào. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.
PV: Xin bà cho biết tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Về tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2001 là 36,7% và 38,7%; đến năm 2011 giảm còn 16,6% và 27,5%. Đối với tình trạng thiếu máu ở trẻ em trên 5 tuổi, năm 2000 tỷ lệ thiếu máu là 34,1%, năm 2009 giảm còn 29,2%. Đặc biệt chiều cao của người trưởng thành Việt Nam cũng đã được cải thiện rõ rệt.
Sức khỏe của người dân đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đó là bởi trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam đã có thêm sữa. Vậy bà có thể cho biết về các loại sữa và chế phẩm từ sữa trên thị trường hiện nay?
Nhu cầu sử dụng sữa của người Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 1990, trung bình mỗi ngày một người chỉ tiêu thụ 0,4g sữa, đến năm 2000 thì tăng lên 4g, năm 2005 tăng lên 29,9%. Và hiện nay thì cao hơn nhiều. Theo đó, thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú. Trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là sữa dạng lỏng – 36,4%, tiếp đến là sữa bột toàn phần – 28,4%, chế phẩm từ sữa – 15,4%, sữa chua – 6,8%, sữa bột tách béo – 4,5%, còn lại là sữa đặc có đường.
Sữa dạng lỏng khá thuận tiện cho việc sử dụng, theo đó người tiêu dùng cũng ưa chuộng hơn. Vì vậy, loại sữa này chiếm tỷ lệ nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Vậy sữa dạng lỏng gồm những loại nào, thưa bà?
Gồm có sữa tươi được lấy trực tiếp từ bò, dê… 100ml sữa tươi cung cấp 87,2% nước, 64kcal, 3,5-3,7g fat, 3,5g protein, 4,9% lactose, 124mg calcium. Sữa tươi không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi; sữa thấp béo – chứa 1/2 lượng chất béo so với sữa tươi, thường sử dụng cho người muốn kiểm soát cân nặng. Sữa thấp béo không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi; sữa tiệt trùng được làm từ sữa tươi hoặc pha từ sữa bột; sữa thanh trùng cũng được làm từ sữa tươi hoặc pha từ sữa bột. Tuổi thọ của sản phẩm ngắn (từ 8-10 ngày) và phải bảo quản ở nhiệt độ từ 5-70C trong bao bì chưa mở; sữa hoàn nguyên tiệt trùng là loại sữa pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và các loại chất béo, nước. Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có sữa nước có bổ sung vitamin (A, D, B), khoáng chất (sắt, kẽm, canxi, magiê), bổ sung thêm collagen, chất xơ hòa tan, DHA, ARA…
Nhiều người tiêu dùng cho rằng sữa được quảng cáo nhiều và đắt tiền là sữa tốt. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Muốn chọn sữa phải đọc nhãn hiệu bao bì, không chỉ nghe quảng cáo. Trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, là sữa tươi hay sữa bột. Người tiêu dùng phải đọc giá trị dinh dưỡng ghi trên bao bì (cơ bản là giống nhau giữa các nhãn hàng), năng lượng, đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất, bổ sung dưỡng chất… Để chọn đúng loại sữa cần chọn nhà sản xuất uy tín. Trên nhãn mác phải ghi rõ tên loại sữa, hướng dẫn sử dụng, địa chỉ – số điện thoại và tên nhà sản xuất, có số kiểm định của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Sữa tốt không phải là sữa đắt tiền mà là sữa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, phù hợp với nhu cầu làm đẹp và khẩu vị của người tiêu dùng…
Xin cám ơn bà
Kim Anh (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)