Hiện nay, rau và thực phẩm hữu cơ đang được quảng cáo và bày bán rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, do chưa có bộ tiêu chuẩn chính thống về sản phẩm và người nội trợ khó nhận diện được chất lượng sản phẩm nên mặt hàng này vẫn trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Bà Hợp dùng phân hữu cơ tự ủ để trồng rau |
Mặc dù chưa có những cửa hàng bày bán thực phẩm hữu cơ phổ biến như Hà Nội, Hải Phòng nhưng tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, phong trào trồng rau hữu cơ đang có chiều hướng gia tăng nhằm đáp ứng kịp thời người tiêu dùng.
Tìm cách lên ngôi
Đó là ruộng rau hữu cơ của chị Đặng Thị Hồng Phượng, ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Sau 1 năm áp dụng mô hình trồng trong nhà màng, vườn rau hữu cơ của chị đã có kết quả tốt. Chị Phượng cho biết, nhờ được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ 30% chi phí xây dựng mô hình gia đình đã đầu tư nhà màng và hệ thống tưới nước trên diện tích 200m2. Theo chị Phượng, ưu điểm lớn nhất của rau hữu cơ là giá cả ổn định, dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, gấp khoảng 1,5-2 lần so với các loại rau khác nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Áp dụng phương pháp hữu cơ, chị Phượng trồng chủ yếu các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau muống, dền, mồng tơi, các loại cải… Cùng việc chọn và xử lý giống tốt, khâu chăm sóc, bón phân, nguồn nước tưới cũng được chị Phượng áp dụng theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, nói không với tất cả chế phẩm hóa học.
Đó cũng là vườn rau hữu cơ của anh Ngô Quang Vũ ở phố nhà giàu P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM. Vì tận mắt chứng kiến quy trình sạch cho ra rau sạch nên những hàng xóm của anh chấp nhận mua rau giá trung bình 85.000 đồng/kg, thậm chí có loại lên đến 350.000 đồng/kg, cao hơn các loại đang bán tại siêu thị.
Không chỉ mua rau hữu cơ tại chỗ, hiện nay nhiều công ty cũng đã hướng đến thị trường rau hữu cơ để đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng. Chỉ cần lên các trang mạng là chúng ta có thể tìm mua được các loại rau hữu cơ ưng ý tại các địa chỉ gần nhà mình nhất tại trung tâm TP. Đó là Công ty Rau quả hữu cơ Sài Gòn nằm trên đường Bạch Đằng, P.15, Q.Bình Thạnh, Công ty Nông Trại Xanh trên đường Cô Giang, P.1. Ngoài các loại rau hữu cơ như rau đay, cải bó xôi, cải cúc, dền cơm là các loại củ quả hữu cơ như cà rốt, su hào, cà chua, dưa chuột quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày. Cũng vì mang mác hữu cơ nên giá cả cũng “tiền nào của nấy”. Nếu như ngoài chợ truyền thống bầu non, cà chua 1kg chưa đến 20.000 đồng thì bầu hữu cơ có giá 30.000 đồng. Rau tần hữu cơ có giá bán 50.000 đồng/kg đắt gần gấp đôi trong siêu thị.
Cần có bộ tiêu chuẩn chính thống
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM thì hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chính thống và chuẩn mực để đánh giá những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ trong nước. Bà Đinh Thị Hợp – Giám đốc Công ty TNHH Rau quả hữu cơ Sài Gòn cho biết, nói tới nông nghiệp hữu cơ là đề cập tới nền nông nghiệp không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng như các loại phân hóa học mà chủ yếu theo phương pháp tự nhiên dùng phân chuồng phân xanh đã xử lý sạch. Đây là phương thức trồng trọt trong môi trường thân thiện nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Cũng theo bà Hợp, việc nhận diện rau hữu cơ không phải là dễ nếu người tiêu dùng thiếu kinh nghiệm. Đó là các loại rau có màu xanh trung thực, không quá xanh đậm bất thường. Lá dày và ngắn chứ không to, thân giòn trọng lượng rắn chắc. Tuy nhiên theo bà Hợp, do không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất kích thích tăng trưởng bảo quản mà chỉ dùng phân bón hữu cơ tự ủ hoặc có chứng nhận quốc tế nên tốn nhiều công sức và năng suất rau hữu cơ thường thấp vì thế giá thành phải cao hơn. Cũng không thể trồng rau hữu cơ trên những vùng đất đã tích tụ phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trong những năm gần đây. Trồng rau hữu cơ vừa cải tạo độ phì nhiêu cho đất vừa giúp người nông dân tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sự sống tự nhiên.
Bà Từ Tuyết Nhung – Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, các loại sản phẩm hữu cơ khi được công nhận phải có bao bì dán tem và logo để truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng, trên thực tế ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nên người mua rất khó nhận diện chỉ mua theo giới thiệu của người bán nên dễ bị mua nhầm. Thị trường kinh doanh rau hữu cơ còn quá dễ dãi nên người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi. Cũng theo bà Nhung, trước mắt cần có bộ quy chuẩn chính thống cho Việt Nam. Bên cạnh đó nông dân trồng rau hữu cơ phải đăng ký và được đi học tập huấn và nên sản xuất thành nhóm và theo tiêu chuẩn môi trường sống. Chọn vùng đất canh tác không bị ô nhiễm, không có kim loại nặng, thuốc sâu trừ cỏ. “Có như vậy chúng ta mới xây dựng được nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai để có những sản phẩm sạch và an toàn đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng – bà Tuyết Nhung khẳng định.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)