Sự kiện giáo dụcTin tức

Thực phẩm không an toàn vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Thực phẩm không an toàn theo hàng rong vào trường học

Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng – Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh mứt, lạp xưởng dạng thời vụ. Theo đó, Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra nhưng kiểm tra tới đâu phát hiện sai phạm tới đó… Điều đáng nói là không ít những thực phẩm không an toàn như thế này đã xuất hiện ở căng tin các trường học.
Mứt, thực phẩm thiếu vệ sinh
Ngày 28-12, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mứt Như Ý (địa chỉ 1768/10/10 tỉnh lộ 10, KP.1, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hoảng khi phát hiện những thùng phuy nhựa chứa các loại trái cây như cóc, chanh, chùm ruộc… nhung nhúc dòi, bọ và đang sủi bọt trắng. Tất cả các công đoạn từ chế biến đến đóng gói đều được làm trên nền đất lênh láng nước. Các nhân viên cứ việc dùng tay trần thái trái cây, nhào nặn mứt. Chưa hết, tại đây còn có một hố ga lộ thiên bốc mùi hôi tanh, trên trần nhà, mạng nhện giăng chằng chịt. Trên nóc khu nhà sản xuất, có khoảng 1 tấn mứt đang được phơi chung với… ruồi nhặng.
Khi đoàn thanh tra yêu cầu xuất trình hóa đơn mua nguyên liệu, chủ cơ sở đã không xuất trình được. Nhiều nhân viên không có giấy khám sức khỏe, không được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đặc biệt, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại đây có hóa chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc.
Điều đáng nói, cơ sở sản xuất mứt Như Ý được cơ quan chức năng Q.Bình Tân cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP vào năm 2008, cho phép sản xuất 5 mặt hàng.
Theo đó, đoàn thanh tra đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh mứt của cơ sở Như Ý. Và tiến hành niêm phong 32 thùng chùm ruộc, 18 thùng cóc tách, 29 thùng lê xá, 95 thùng phuy cóc ngâm, 78 thùng phuy đu đủ ngâm, 51 thùng phuy chanh ngâm và 1 tấn mứt đang phơi trên nóc nhà. Đoàn cũng đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.
Trước đó, ngày 24-12, cơ sở sản xuất lạp xưởng Sanpan (số 67, đường 36, P. Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) cũng đã bị đình chỉ vì những sai phạm về ATVSTP. Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện 2 gói phụ gia mang tên Sausage Flavoring (loại 1kg/gói) trên nhãn không ghi ngày đóng gói và hạn sử dụng. Đồng thời, có 15 gói tương tự nhưng không có nhãn mác, 7 hộp hiệu Lion Brand loại 600g/hộp, không có nhãn phụ. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện 4 hộp nguyên liệu phụ gia Phosphates Mix, xuất xứ từ Thái Lan do Công ty TNHH Vĩnh Giai, Q.5 nhập khẩu đã quá hạn sử dụng. Bên cạnh đó, cơ sở sử dụng nguồn nước máy không qua bồn chứa, không xét nghiệm, quy trình sản xuất không đạt 1 chiều, nhân viên chưa có giấy khám sức khỏe, chưa được tập huấn kiến thức ATVSTP, trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ.
Bánh, mứt chưa có chứng nhận ATVSTP vào trường học

Các thùng phuy chứa “mứt… dòi” tại cơ sở Như Ý. Ảnh: T.Võ

Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó phòng Phòng Học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện toàn thành phố vẫn còn vài chục căng tin trong trường học chưa có giấy chứng nhận ATVSTP.
Và nguy cơ “mứt… dòi” xuất hiện ở những căng tin này là không nhỏ. Khảo sát một số căng tin trong trường học, chúng tôi phát hiện có không ít căng tin bày bán các loại mứt, quả khô không nhãn mác. Tại căng tin ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Bình Chánh, chỉ với 500 đồng hay 1.000 đồng các em học sinh có thể mua được một gói mứt chùm ruộc, mứt me… Bà chủ căng tin này cho biết, cứ 2-3 tuần bà lại ra chợ Bình Chánh mua vài kg mứt các loại. Sau đó bỏ vào từng gói nhỏ bán cho học sinh. “Học sinh ở đây nghèo lắm, mỗi ngày cha mẹ cho 1-2 ngàn đồng ăn quà là nhiều rồi. Nếu mua mấy loại mứt có nhãn mác thì mắc quá, bán không được. Vì vậy tôi phải mua mứt rẻ tiền…”, bà chủ căng tin nói.
Cứ tưởng chỉ những căng tin chưa được cấp giấy chứng nhận ATVSTP mới bán loại “mứt… dòi” này, nào ngờ…
Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP nhưng căng tin tại một trường tiểu học trên địa bàn Q.3 vẫn lén lút bán các loại mứt, bánh kẹo không nhãn mác, không xuất xứ rõ ràng. Có phần sang trọng hơn căng tin ở các trường ngoại thành, mứt me, mứt chùm ruộc ở đây được đựng trong một cái ly nhựa nhỏ xíu và có nắp đậy. Đương nhiên giá thành cũng mắc hơn so với mứt đựng trong bịch ni lông. Học sinh, nhất là các em nữ tỏ ra rất thích thú với món mứt này. Khi được hỏi: “Không sợ nhà trường phát hiện sao?”, bà chủ căng tin trả lời: “Sợ chứ, nếu nhà trường phát hiện căng tin bán hàng không nhãn mác, không xuất xứ thì sẽ không cho thuê nữa. Nhưng nếu chỉ bán bánh kẹo, sữa có nhãn mác thì các em học sinh không mua. Vì ở nhà mấy thứ này các em ăn nhiều rồi. Các em chỉ muốn vào căng tin mua những thứ mà ở nhà không có…”. Và chị này cũng cho biết thêm, mỗi khi thấy bóng dáng ban giám hiệu gần khu vực căng tin là vội vã lấy những mặt hàng bị cấm bán giấu đi.
Ngành y tế, nhất là y tế cấp quận, huyện đã tỏ ra “khá hào phóng” trong việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho các cơ sở sản xuất thực phẩm. Thế nhưng việc hậu kiểm lại không được quan tâm, theo đó nhiều cơ sở dù có giấy phép nhưng vẫn cứ vi phạm. Để rồi những loại thực phẩm kém chất lượng vô tư được bày bán trong chợ và trong cả… trường học nữa.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)