Thực phẩm “kỵ nhau” có thể gây ung thư, ngộ độc và cả chết người qua lời đồn thổi luôn là nỗi ám ảnh của các bà nội trợ và người tiêu dùng, nhất là khi có được các thông tin không chính thức qua lời đồn. Thực hư của câu chuyện này ra sao?
Kết hợp các thực phẩm trong chế biến cần có cơ sở khoa học mới đảm bảo chất dinh dưỡng |
Mật ong pha sữa đậu nành gây chết người?
Mỗi lần thấy con cháu mua khoai mài, khoai sọ, khoai từ về luộc ăn là bà Lan, 70 tuổi ngụ ở đường An Nhơn, P.5, Q.Gò Vấp khuyên là chỉ được chấm đường chấm muối chứ không được chấm mật ong vì theo bà nếu các loại khoai này chấm mật ong ăn vào thì sẽ chết do ngộ độc. Tuy nhiên, khi con cháu hỏi vì lý do gì thì bà không giải thích được: “Hồi nhỏ mỗi lần ăn khoai là tôi được người lớn khuyên dặn như vậy chứ cũng không thấy ai giải thích và cũng chưa thấy ai chết vì ăn khoai chấm mật ong”. Cũng theo bà Lan gần đây có người còn khuyên bà không pha mật ong với sữa đậu nành vì dễ bị ngộ độc gây chết người. Tuy không biết thực hư thế nào nhưng thông tin đó bà cũng tìm cách chia sẻ với người thân và con cháu mình. Cứ người này truyền người khác thế rồi sau một thời gian dù không được kiểm chứng nhưng đã trở thành kinh nghiệm dân gian nên nhiều người không dám kết hợp các loại thực phẩm với nhau. Cũng vì thế mà nhiều món ăn được truyền tai nhau là không được nấu chung với nhau như nếu cà chua nấu với khoai tây khi ăn vào sẽ bị tiêu chảy. Khoai lang nếu ăn với trái hồng hoặc chuối thì dễ bị sỏi thận, sỏi mật. Giá đỗ và gan có nhiều chất dinh dưỡng nhưng nếu xào chung thì mất hết chất do chúng kỵ nhau. Hiện nay trên các trang mạng cũng có những bài viết với chủ đề: “Thực phẩm kỵ nhau không nên dùng” đã đưa ra nhiều tác hại cho sức khỏe con người khi phối hợp các thức ăn “lạc quẻ” như: thịt cầy với trà xanh, ba ba với rau dền, tỏi và trứng ngỗng… Nhiều bà nội trợ còn ghi ra giấy để chuyền cho nhau “kinh nghiệm” nấu ăn.
Thiếu căn cứ khoa học xác đáng
TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai – Khoa Dinh dưỡng (BV Nhân dân Gia Định) cho biết nguyên tắc phối hợp thực phẩm là dùng thực phẩm phụ để tăng tác dụng của thực phẩm chính để làm sao 2 bên hỗ trợ tác dụng được cho nhau có hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó sự kết hợp ăn ý của thực phẩm còn giúp chúng hạn chế được những tác hại của thực phẩm.
Theo Đông y mỗi loại thực phẩm dùng trong ăn uống hằng ngày theo cũng được xem như một vị thuốc. Các thực phẩm khi kết hợp với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm hoạt chất của thực phẩm đó, hầu hết không gây nguy hiểm chết người như đồn thổi. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa, bệnh lý nền trong cơ thể mà có sự kết hợp thực phẩm phù hợp để tránh tình trạng bệnh nặng hơn hoặc cơ thể khó chịu nhiều hơn. Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, theo y học phương Tây, chưa có nghiên cứu rõ ràng, bằng chứng cụ thể nào để nói những loại thực phẩm đó ăn với nhau gây ra những tác hại như trên. Ngoài ra, các nguyên nhân gây ung thư cũng chưa biết chính xác từ đâu nên không thể xác định được các thực phẩm đó ăn cùng với nhau gây ung thư.
Theo BS Tuyết Mai, thành phần chính của một bài thuốc sẽ gồm 3 phần: thuốc chính hay còn gọi là chủ dược có tác dụng điều trị bệnh, sẽ được kết hợp với một vị thuốc hỗ trợ giúp tăng hoặc điều tiết hoạt tính của thuốc chính hơn và phối hợp với tá dược nhằm gia giảm hoạt chất của thuốc hấp thu vào cơ thể tốt hơn (thông thường là các vị thuốc bổ). Kết hợp thực phẩm trong ăn uống hằng ngày cũng tương tự nguyên tắc trên, dùng một loại thực phẩm phụ để làm tăng tác dụng của thực phẩm chính. Thức ăn chính có tính hàn sẽ kết hợp với một loại gia vị có tính nóng, giảm tính hàn giúp tăng tiết dịch vị tiêu hóa dễ hơn, không lạnh bụng (gây tiêu chảy) hoặc đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu… Để phân biệt được thực phẩm có tính hàn hay nóng sẽ nhìn vào màu sắc hoặc vị của thực phẩm đó. Ví dụ đối với thịt cá, thực phẩm có màu trắng là tính hàn và màu đỏ là tính nóng. Đối với rau củ quả, thực phẩm nào càng chua nhiều tính hàn càng cao, cũng như thực phẩm nhiều tinh bột khi vào cơ thể sẽ chuyển đổi chất làm tăng độ chua gây chướng bụng là thực phẩm có tính hàn… Có một số chất khi kết hợp với nhau có tạo ra chất kết tủa, nhưng chất kết tủa đó có gây khó tiêu, đau bụng hay không thì không phải chất nào cũng có nghiên cứu. “Chế độ ăn uống phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng bột đường, đạm, béo và các loại vitamin mới cung cấp đầy đủ cho cơ thể để có sức khỏe tốt. Không nên nghe theo lời đồn thổi thiếu cơ sở khoa học kiêng cữ trong ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe con người” – BS Tuyết Mai khuyên!
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)