Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực phẩm sạch có… sạch?

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ tưởng bỏ ra số tiền lớn vào các cửa hàng, siêu thị hiện đại thì sẽ mua được thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn chất lượng nhưng… thực tế thì không phải vậy. Đôi khi mua đắt nhưng vẫn phải “rước” thực phẩm bẩn về nhà. Những ngày qua, người tiêu dùng không khỏi bức xúc khi đằng sau những bao bì đẹp mắt với dòng chữ chắc như đinh đóng cột “đạt chuẩn VietGAP” là những bó rau được lấy từ chợ về sau đó nhặt bỏ lá sâu, lá úa và bùn đất rồi đóng gói thành “rau sạch”…


Người dân mua rau tại chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM)

Người tiêu dùng thấy mình bị lừa dối

Đời sống ngày càng khấm khá, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch, chất lượng hơn là thực phẩm giá rẻ. Bởi ai cũng biết “của rẻ thì chẳng bao giờ là đồ ngon”. Theo đó mà phần lớn người tiêu dùng chấp nhận bỏ số tiền cao gấp 3-4 lần để vào siêu thị, các “chợ hiện đại” để mua thực phẩm. Tuy nhiên, qua vụ việc rau chợ giả rau đạt chuẩn VietGAP tuồn vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vừa bị phanh phui đã khiến nhiều người tiêu dùng mất niềm tin.

“Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng khi mỗi ngày bỏ ra số tiền lớn mua thực phẩm an toàn tại các hệ thống phân phối hiện đại. Vụ việc rau chợ giả VietGAP cần xử lý nghiêm vì hành vi gian dối tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng”, chị Phạm Thị Hợp (trú tại huyện Bình Chánh) cho hay.

Gia đình chị Thanh Giang (trú tại TP.Thủ Đức) cũng thường xuyên mua rau đạt chuẩn chất lượng tại các siêu thị để đảm bảo sức khỏe. Bởi theo chị, người tiêu dùng không thể tự phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không sạch mà chỉ có thể căn cứ vào các thông tin, tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, sau sự việc vừa rồi, chị Giang cảm thấy bị lừa dối.

“Bỏ tiền ra mua hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện ích với giá cao hơn chính là bỏ tiền mua niềm tin. Nhưng qua sự việc vừa rồi thử hỏi mỗi ngày có bao nhiêu gia đình mua phải rau dỏm? Còn bao nhiêu nhà cung cấp làm ăn gian dối?”, chị Giang bày tỏ.

Qua khảo sát giá cả thực phẩm, trong đó có mặt hàng rau củ tại các chợ truyền thống và một số siêu thị trên địa bàn TP cho thấy có sự chênh lệch rất lớn.

Tại chợ Hòa Hưng (Q.10), giá mỗi ký rau mồng tơi là 25.000 đồng, rau muống 10.000 đồng, cải ngọt 16.000 đồng, đậu ve 15.000 đồng, cà chua 30.000 đồng, mướp hương 20.000 đồng, dưa leo 20.000 đồng, bông cải xanh 45.000 đồng. Trong khi đó, tại Co.opmart Cống Quỳnh (Q.1) giá cả các loại rau củ đều rất cao. Cụ thể, giá 1kg đậu ve loại thường là 35.200 đồng, dưa leo 25.500 đồng, rau muống 26.000 đồng, cải ngọt 35.000 đồng, bông cải xanh 56.900 đồng, cà chua Beef lớn hơn 40.000 đồng… Tất cả các loại rau củ này đều dán nhãn VietGAP, hàng an toàn. Còn rau củ hữu cơ có giá cao gấp nhiều lần. Như khổ qua giá 113.000 đồng/kg, dưa leo 93.500 đồng/kg, rau dền 34.000 đồng/300g, mồng tơi 28.000 đồng/300g, mướp 109.000 đồng/kg, bí đao 95.000 đồng/kg… Trên bao bì các loại rau hữu cơ đều thể hiện thông tin về nơi sản xuất, đóng gói và có mã QR để người mua có thể quét kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Từ giá cả các mặt hàng trên cho thấy, mỗi ngày người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua rau sạch. Bởi trên địa bàn TP, bên cạnh các chợ truyền thống còn có hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích cung ứng ra thị trường hàng ngàn ký rau củ mỗi ngày. Chưa kể đến các kênh bán hàng sạch online…

Quản lý thực phẩm sạch khó nhất là đầu ra

Trước vụ việc rau chợ giả rau đạt chuẩn VietGAP tuồn vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vừa rồi, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM – cho biết đây là vấn đề gian lận thương mại nhưng cũng không thể chấp nhận bất kỳ sự gian lận nào. Vì các mặt hàng đạt chuẩn làm nên uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, siêu thị và trực tiếp là người tiêu dùng phải bỏ số tiền cao hơn để mua.

Bà Lan nhìn nhận, ở đâu cũng vậy, liên quan đến lợi nhuận sẽ có những “người núp bóng”. Trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay, để phát hiện thực phẩm sạch khó nhất là khâu đầu ra nhưng cơ quan quản lý không thể yêu cầu người tiêu dùng phải mua cái này, mua cái kia vì luật chưa bắt buộc. Về phía Ban Quản lý ATTP TP luôn khuyến khích các siêu thị, các hệ thống bếp ăn trường học, nhà hàng khách sạn nhập thực phẩm đầu vào ít nhất phải đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Các chuẩn này cao hơn mức thông thường của luật định vì luật chỉ yêu cầu có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, tuy nhiên cũng không có nghĩa là không có sự ăn gian.

Theo bà Lan, một trong những giải pháp ngăn chặn thực phẩm “bẩn” là phải tăng cường, đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm sạch. Khi đông đảo người dân dùng thực phẩm sạch sẽ bớt đi thực phẩm “bẩn”. Song, thách thức đặt ra đối với những người làm thực phẩm sạch là liệu có giữ được đúng chuẩn như đã cam kết trước áp lực giá cả, cạnh tranh của thị trường. Ngay cả phía Ban Quản lý ATTP, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm là thường xuyên. Đơn vị luôn cố gắng hết sức nhưng số lượng công việc phải làm rất nhiều, chưa kể còn tùy thuộc vào ngân sách.

“Trong những năm vừa qua, kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm các loại thực phẩm với 95% đạt yêu cầu, còn 5% vi phạm. Riêng đối với những mặt hàng thuộc chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt tỷ lệ 97%. Nhưng đây là con số tổng thể, mang tính đại diện chứ chúng ta không thể kiểm nghiệm tất cả mọi thứ”, bà Lan chia sẻ thêm.

Trưởng ban Quản lý ATTP TP cũng nhấn mạnh, không nên lý luận rau dỏm vào siêu thị vì như thế chẳng khác nào cho rằng người dân ăn thực phẩm ngoài chợ là không an toàn. Xét cho cùng, dù thực phẩm bán ngoài chợ hay trong siêu thị vẫn phải có kiểm nghiệm của cơ quan quản lý. Chỉ khác ở chỗ, hệ thống siêu thị có hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn, thực hiện kiểm soát, kiểm nghiệm đầu vào dễ hơn. Tại các chợ truyền thống đều có hệ thống quản lý nhưng kinh phí bỏ ra để kiểm soát, kiểm nghiệm ít hơn. Chưa kể, bên cạnh các chợ truyền thống còn có chợ vỉa hè cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hiện nay, mỗi năm Ban Quản lý ATTP TP thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất khoảng 20.000 đơn vị liên quan đến thực phẩm. Trong thời gian tới, bên cạnh yêu cầu các mặt hàng thực phẩm bày bán trong hệ thống siêu thị phải đạt các chuẩn, Ban Quản lý ATTP dự kiến yêu cầu các chợ đầu mối phải có những chuẩn cao hơn hiện tại. Bên cạnh đó, ban cũng huy động mọi nguồn lực, bao gồm xã hội hóa để tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm.

“Tất cả đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo ATTP. Ngay việc các siêu thị lựa chọn nhà cung cấp thì nhà cung cấp cũng phải đáp ứng đầy đủ các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện ATTP”, bà Lan nhấn mạnh.

Phú Cát

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)