Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực phẩm “sạch” đang bị mạo danh

Tạp Chí Giáo Dục

An toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng thế nhưng trên thực tế việc “định lượng” thực phẩm sạch vô cùng khó khăn. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, người kinh doanh và cả người sản xuất đang tìm cách mạo danh thực phẩm “sạch” qua mặt người tiêu dùng…

Rất khó khẳng định rau sạch bán ở lề đường như thế này

Chính vì thế dạo vòng quanh các khu chợ ở đâu cũng có thể thấy những cửa hàng và sạp bán thực phẩm rao bán thực phẩm “sạch” mà không hề có gì kiểm chứng.

Thực phẩm “bẩn” đội lốt

Vốn là người kỹ tính trong chuyện ăn uống nên sau khi có thông tin giá đậu được ủ mầm từ chất kích thích sinh trưởng độc hại, chị Tân ngụ ở đường số 4 cư xá Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bắt đầu “dị ứng” với các loại giá đậu được bày bán trôi nổi ngoài chợ. Chị cho hay: “Thôi cứ vào siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích mua cho chắc ăn vừa đảm bảo sức khỏe bản thân vừa khỏi phải gây độc cho người nhà, chồng con”. Thế nhưng, gần đây tại chợ tự phát trước nhà có người bán giá đỗ treo tấm bảng “bán giá sạch” nên chị đánh liều mua về ăn thử. “Nhìn thấy cọng giá ốm yếu, tự nhiên nên tôi nghĩ là không có chất kích thích đâu; hơn nữa người bán họ cam đoan là giá sạch tự làm nên tôi thật sự yên tâm hơn” – chị Tân thổ lộ. Đó cũng là suy nghĩ của bà Luyến, ngụ ở 435 đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 mỗi khi đi mua thịt cá về nấu ăn cho cả gia đình gần 10 người: “Trước đây, khi đi chợ gặp chỗ nào rẻ thì mua nhưng bây giờ nghe nói thịt cá tẩm ướp hóa chất độc hại nên cũng phải cẩn thận một chút”. Theo lời kể của bà Luyến, gần đây có vài sạp cá trong chợ và cả ngoài đường đã treo bảng bán hải sản không có hóa chất nên chuyện mua bán cũng an tâm hơn dù không biết thực hư thế nào.

Cá tươi hải sản không hóa chất và… không có giấy chứng nhận thực phẩm sạch

Có thể thấy rằng xu thế bán thực phẩm “sạch” đang trở thành một phong trào dù mang tính tự phát ở các loại chợ khác nhau vì đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng khi đi mua hàng mà giống như lạc vào trận đồ bát quái không biết thực hư như thế nào. Tại một điểm bán thịt bò trên quốc lộ 13 gần Trường TH Bình Triệu, Q.Thủ Đức được người bán giới thiệu là bò tơ Củ Chi vì lấy hàng từ Củ Chi và cả Hóc Môn về. Đó cũng là cách thức quảng cáo của một điểm “bán thịt bò sạch: ngay trên đường Lê Đức Thọ phía sau cổng chợ căn cứ thuộc P.17, Q.Gò Vấp. Tất cả người bán đều khẳng định đây là loại bò không ăn thức ăn tổng hợp như cám công nghiệp, chất tăng trọng mà chuyên ăn rơm hoặc cỏ tự nhiên, không hề bơm nước trước khi giết mổ. Có lẽ vì thế mà những điểm bán thịt này đều đông khách hơn vì đã tạo niềm tin ban đầu cho khách hàng tránh được các loại thực phẩm “bẩn”. Chị H., bán thịt heo tại chợ Tân Định, Q.1 cho biết, tất cả các điểm bán thịt tươi sống chỉ có giấy phép kinh doanh, giấy kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thú y mà thôi còn việc bán thịt sạch thì chưa có một tiêu chuẩn nào được công nhận. Theo chị, hầu hết do tự phong mà có để câu khách: “Chúng tôi không cần quảng cáo thịt sạch mà đến trưa vẫn hết hàng, quan trọng là chất lượng và uy tín mà thôi”.

Vàng thau lẫn lộn

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, việc cấp phép sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn an toàn phải được giám sát từ khâu con giống, nguồn thức ăn, vùng nuôi, quá trình giết mổ, vận chuyển… Ngoài chất lượng tốt còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với điều kiện người kinh doanh phải có giấy chứng nhận sản phẩm đúng theo quy chuẩn đã được công nhận “sạch” như tiêu chuẩn VietGAP hiện nay.

Như có hiệu ứng dây chuyền, nhiều điểm bán rau, thịt cá, hải sản gần đây cũng đã tìm cách “tung chiêu” để thu hút khách hàng với tấm biển: Hải sản miền Trung, Cá tươi Vũng Tàu, Hải sản tươi sạch… để “giữ chân” các bà nội trợ. Nhằm tạo uy tín họ còn “PR sản phẩm” bằng những câu chữ có độ tin cậy cao như: Uy tín chất lượng là trên hết, Chỉ bán hàng tươi sống không urê hóa chất độc hại… với những mỹ từ rất kêu: Bán hàng vì sức khỏe cộng đồng, Một bữa cá tươi mười ngày khỏe mạnh… Tại một sạp cá trên đường 30, P.6, Q.Gò Vấp khi chúng tôi “chất vấn” thì người bán đưa ra một tờ giấy cam kết bán hải sản thực phẩm sạch không hóa chất tự người nhà thảo ra mà ngay đến cả giấy đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ khác cũng chưa hề có vì lý do là… chưa làm kịp. Chính vì thế không ít bà nội trợ đã mua phải thực phẩm “sạch” nhưng được tân trang lại theo kiểu “lộng giả thành chân” ngay ở các cửa hàng có “thương hiệu”.

Gần đây, nhiều thương lái dùng mánh lới khôn ngoan hơn là đem heo sống trôi nổi có dính chất cấm đến các lò mổ có uy tín để mượn danh hòng qua mặt người tiêu dùng nhưng bị Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện nên một số công ty bị vạ lây mà tiêu biểu là Công ty TNHH DV A. H (thuộc huyện Củ Chi) là một ví dụ. Theo ông Huỳnh Tấn Phát – Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, có một số loại thực phẩm mà cụ thể là “thịt bò sạch” chủ yếu do người bán tự phong chứ chưa có đơn vị nào cấp giấy phép về mặt hàng này.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)