Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thực phẩm tăng giá kỷ lục vì thức ăn chăn nuôi

Tạp Chí Giáo Dục

Từ đầu năm tới nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng khoảng 5 lần. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá thực phẩm tăng mạnh. Đặc biệt, nếu không kiểm soát được giá TACN và dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi Việt Nam.  

Kỷ lục về giá

Trong hơn một tuần qua, giá thịt lợn, gà trên thị trường Hà Nội tăng cao, từ 7 đến 15 nghìn đồng/kg. Khảo sát ở các chợ như Đồng Tâm, Hôm-Đức Viên, Thái Hà, Phùng Khoang…, hiện giá thịt lợn ba chỉ 95-100 nghìn đồng/kg, thịt thăn 115-120 nghìn đồng/kg, sườn sụn trên 110 nghìn đồng/kg; giá gà ta 120 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp 75 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục từ trước tới nay.
Chị Hải, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Hôm – Đức Viên cho biết, giá thịt cao, nhưng lấy hàng ở các lò mổ còn tranh nhau, 2-3 hộ chia nhau một con. “Trước tôi bán 50 kg/ngày, nay chỉ dám lấy nửa số đó để bán. Do giá thịt đắt, trời nắng nóng, trước kia có người mua 5 lạng nay còn 3, còn lấy 3 thì nay bớt xuống 2 lạng” – chị Hải nói.
Giá thịt kỷ lục và dự báo còn tăng cao. Ảnh: Phạm Anh.
Thực tế, tại các lò mổ lớn ở Hà Nội, các chủ lò cũng đang thấp thỏm lo nguồn cung lợn. Bà Nguyễn Phi Anh, chủ lò mổ Vinh Anh (Từ Liêm, Hà Nội) mỗi ngày cấp cho thành phố 10-15 tấn thịt cho biết, hiện giá thịt lợn hơi đã lên gần 67-68 nghìn đồng/kg, tăng 6-7 nghìn đồng/kg so với tháng trước, tuy nhiên nguồn hàng ở phía Bắc rất khó lấy, mà phải lấy thêm hàng từ miền Nam.
Theo bà Phi Anh, trước kia, nguồn thường lấy của Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, nhưng nay họ chỉ để cho mỗi ngày 30 con, trong khi chúng tôi mổ 120-150 con/ngày, nên chúng tôi phải tính tới nguồn khác.
“Thời gian qua, do dịch bệnh; giá TACN, chi phí điện, nhân công tăng cao, vốn vay khó, nên nhiều trang trại giảm đàn, còn chăn nuôi nhỏ lẻ, gần như không thể tái đàn. Mặt khác, vài tháng trước, rất nhiều lợn của ta xuất qua Trung Quốc, nên ảnh hưởng tới nguồn”- bà Phi Anh nói.
Một số chủ lò mổ khác cũng cho rằng, nguồn lợn sạch ở trang trại lớn có uy tín rất khó lấy. Thịt lợn nhỏ lẻ vẫn rải rác trong dân, nhưng mua gom cũng khó, lại không an toàn về dịch bệnh.
Một chủ cơ sở giết mổ lớn ở Hà Nội cho hay: “Giá thịt lợn hơi đang đứng ở mốc 67-68 nghìn đồng/kg; tuy nhiên, một số nguồn cung đang thông báo có thể tăng thêm giá. Thực tế, do nguồn đầu vào của người chăn nuôi (thức ăn chăn nuôi, nhân công, điện…tăng giá), nên với mặt bằng giá hiện nay khó giảm, buộc phải chờ lứa tái đàn mới”.
Giá thức ăn đẩy giá thịt
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2010, giá TACN tăng 14 đợt (hơn 20%), còn từ đầu năm 2011 tới nay cũng 5-6 đợt tăng giá (mỗi đợt khoảng 200 đồng/kg, khoảng 10%).
Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại nuôi lợn lớn ở Thanh Oai (Hà Nội), đang nuôi 3.000 con lợn (2.700 lợn thịt, còn lại là lợn nái) cho biết, đúng là giá thịt lợn cao là do giá TACN tăng mạnh, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất khiến người nuôi giảm đàn.
Ông Long cho biết, hiện trang trại của ông đang sử dụng cám của hãng Cargill và Sunjiln. Từ đầu năm tới nay tăng 6-7 đợt, với mức tăng khoảng 200 đồng/kg trở lên. Hiện giá TACN trung bình khoảng hơn 10.000 đồng/kg. “Nếu giá cám tăng một phần, thì giá lợn hơi phải tăng 3 lần, mới tương ứng với sản xuất. Giả sử, giá cám tăng 200 đồng/kg, thì giá lợn hơi phải tăng thêm 600 đồng/kg. Tầm Tết, giá lợn hơi từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg hơi, nhưng hiện nay đã là 65-66 nghìn đồng/kg hơi”- Ông Long nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết: “Chúng tôi khảo sát giá TACN Trung Quốc, Thái Lan, cho thấy, giá của họ ngang với giá Việt Nam. Tuy nhiên, một số sản phẩm ta cao hơn chút ít là thức ăn lợn thịt giai đoạn cuối, gà thịt giai đoạn cuối, gà đẻ trứng…
Theo ông Dương, giá lợn hơi hiện sát 70 nghìn đồng/kg, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, từ đầu năm tới nay TACN tăng 5-6 đợt, mỗi đợt 150-200 đồng/kg, tính ra mức tăng khoảng 10%; nếu tính từ giữa năm ngoái tới nay khoảng 20%.
Còn nguyên nhân khiến đàn lợn giảm, theo ông Dương, ngoài yếu tố TACN tăng giá, còn do người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh, nên ở miền Bắc có dấu hiệu khan nguồn lợn cục bộ.
Còn ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho rằng, người chăn nuôi có 3 rủi ro lớn nhất là dịch bệnh, giá thịt tụt xuống, và giá TACN lên cao. Trong ba yếu tố này, hiện nay, TACN không phải là nguyên nhân khiến dân không tái đàn mà chính là dịch bệnh, thú y kém.
Với mặt bằng giá cả lợn hơi như hiện nay, một người nuôi cho đến khi lợn xuất chuồng, lãi ít nhất 1 triệu đồng/con trở lên; thậm chí, với giá lợi hơi có xuống ở mức 53-54 nghìn đồng/kg hơi vẫn có lãi.
Tổng kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngoài vấn đề về giá, vừa rồi Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các địa phương tổng kiểm tra chất lượng TACN, đặc biệt chú ý tới các chất cấm, kích thích sinh trưởng.
Một số địa phương phản ánh, có dấu hiệu TACN không đảm bảo về chất đạm, thấp hơn so với số liệu đăng ký. Việc lấy mẫu kiểm tra sẽ xuống tận cơ sở chăn nuôi, tận máng ăn, nước uống. Đã lấy nhiều mẫu đi kiểm tra, dự kiến cuối tháng 6 này sẽ có kết quả.

Phạm Anh – Phạm Tuyên

Tiền Phong

 

Bình luận (0)