Thúc sinh đi lại với Thúy Kiều miệt mài hôm sớm lại chân tình thắm thiết, đã đến lúc Thúc ngỏ lời chung sống với Kiều. Thúc nói có hơi quá một tí là từ khi mới biết nhau, tấm riêng riêng những nặng vì nước non. Bây giờ tính cuộc vuông tròn, xin cho tôi biết rõ ngọn nguồn lạch sông.
Thúy Kiều nghe xong liền phản bác với ba lí do rõ ràng. Trước khi nêu ba lí do ấy, cụ Nguyễn cho Kiều xướng ngôn một câu chí lí: Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng/ Chút e bên thú bên tòng dễ đâu”. Nàng xin đội ơn, cảm kích tấm lòng tốt, cưu mang của chàng nhưng xét ra bên thú (là Thúc sinh lấy vợ) và bên tòng (là Kiều theo hầu hạ Thúc sinh) cả hai đều không dễ (chút e bên thú bên tòng dễ đâu). Nếu cần dẫn một chi tiết để chứng minh chữ nghĩa của cụ Nguyễn quá sức chọn lọc, kỹ càng thì đây là một thí dụ. Bởi lẽ người viết văn bình thường có thể viết: Chuyện chung sống hay chuyện nước non gì đấy không dễ đâu. Ở đây, cụ Nguyễn tách chữ thú để chỉ Thúc sinh lấy vợ, chữ tòng cho Thúy Kiều. Theo Kinh Lễ (Trung Quốc) khi có cưới thì là vợ, theo thì là hầu (thú tắc vi thê, bôn tắc vi thiếp). Như vậy ngay từ đầu Thúy Kiều đã tự xét mình, hạ mình xuống bề tiểu tinh (tức thiếp). Điều này về sau, cụ Nguyễn còn nhắc lại vài lần trong lời Thúy Kiều tâm sự với Thúc sinh.
Cái khó thứ nhất: Cái khó chung cho mọi đôi trai gái chốn bình khang. Ngày nay thiếp trang sức đẹp đẽ như thế, mai này lạt phấn phai hương, liệu chàng còn có yêu thiếp?
Cái khó thứ hai và cũng là cái khó đáng sợ nhất (khó thứ nhất, Nguyễn Du dành bốn câu thơ, khó thứ hai đến 14 câu và khó thứ ba chỉ sáu câu): Đó là chàng đã có vợ, nơi thềm quế cung trăng đã có người chủ trì, đã có chị Hằng ở trong. Hai người đang sống tình nghĩa vợ chồng yên lành, nay thêm một người khác, nhiều chuyện phiền toái xảy ra. Mà cái sự thêm người thật không đáng bởi thiếp chỉ là chút phận bèo mây: Bây giờ khăng khít dải đồng/ Thêm người người cũng chia lòng riêng tây/ Vẻ chi chút phận bèo mây/ Làm cho bể ái khi đầy khi vơi… Thúy Kiều thật sự coi trọng tình cảm đã có của vợ chồng Thúc sinh. Hai chữ bể ái, sau này cụ Nguyễn sẽ nhắc lại (xem đoạn báo ân, báo oán). Và đây, nỗi đau của kẻ đến sau: Nào là trăm tội đều đổ lên đầu kẻ đến sau, nào chàng có vững tay co, cũng chỉ đắp điếm cho một vài mà thôi. Thiếp sẽ còn chịu trăm ngàn khổ cực nữa, còn khổ hơn chốn lầu xanh: Cúi đầu luồn xuống mái nhà/ Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng…
Cái khó thứ ba: Chàng còn có cha già. Liệu cha có rộng lòng thương con trẻ? Hay cha lại lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh… Đến lúc ấy, nhục nhã ê chề lắm thay. Thiếp đã đành còn danh giá của chàng? (Lại còn dơ dáng dại hình/ Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng. Nguyễn Du lại dùng bốn từ miêu tả nỗi xấu xa tủi hổ của kẻ đã bỏ lầu xanh, theo trai nay lại trở về lầu xanh: Lại càng dơ dáng dại hình, dáng thì dơ mà hình thì ngây dại)…
Trở lại vấn đề trên, Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều nêu ba lí do ái ngại chuyện duyên vợ chồng của Thúc và Kiều. Lí lẽ đã nhiều, ý tứ sâu sắc, vững chắc. Lẽ ra, ở đây, bạn đọc chờ một câu trả lời của Thúc bàn về ba cái khó ấy. Nhưng cụ Nguyễn lại cho Thúy Kiều buông tiếp một câu thật dễ dãi, bao nhiêu suy nghĩ, đắn đo đều không còn giá trị ghi nhớ để giải quyết. Thương sao cho vẹn thì thương/Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng…
Thúy Kiều tự nhiên dễ dãi hay cụ Nguyễn cho Kiều đang buông mình xuống vực sâu?!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)