Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực tập hay làm việc… linh tinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu doanh nghiệp biết tận dụng thì đội ngũ sinh viên (SV) thực tập vừa có cơ hội được vận dụng kiến thức vào thực tế, tích lũy được kinh nghiệm, bước đầu tham gia được vào thị trường lao động và đồng thời người sử dụng cũng vừa đỡ tốn kém chi phí nhân công. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp tích cực “bắt tay” cùng nhà trường thực hiện tốt công tác thực tập khiến cho SV chỉ làm những việc… linh tinh.
Gần 65% SV thực tập chỉ làm các việc… linh tinh
Khảo sát mới đây của giảng viên Trương Thanh Nhã (Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) tại khoa cho thấy, gần 65% SV thực tập chỉ làm các việc văn phòng linh tinh như photo tài liệu, sắp xếp giấy tờ hay trả lời điện thoại. Chỉ trên 10% SV được thực tập cùng với nhân viên chính thức và tích lũy được kinh nghiệm. Việc thực tập hầu như mới chỉ dừng lại ở “hình thức”, thiếu chất lượng và cũng chưa thực sự giúp ích được nhiều cho SV. Theo giảng viên Trương Thanh Nhã, hầu hết các doanh nghiệp đều “e ngại” trong việc phối hợp đào tạo thực tế với nhà trường. Ngoại trừ một số tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà tuyển dụng hiện nay thiếu hẳn cơ chế riêng cho SV thực tập. Đơn cử như với Khoa Quan hệ Quốc tế (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), chỉ 6 doanh nghiệp có xây dựng chương trình thực tập riêng, cho phép SV tham gia thực hiện công việc như nhân viên chính thức. Chính vì vậy, phần đông SV Khoa Quan hệ Quốc tế đều phải “tự bơi”, phải tận dụng các mối quan hệ quen biết cá nhân để thực tập. Đây cũng là tình trạng gặp phải của các trường có lượng SV đông. ThS. Trương Minh Kiệt (Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp – Hỗ trợ SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thống kê, với số lượng 5.000 SV, hằng năm trường phải giải quyết số chỗ thực tập tương ứng như vậy. Nhưng thực tế, thông qua nhiều cách, trường cũng chỉ giải quyết được phân nửa con số trên. Như vậy, khoảng 2.500 SV tại trường hằng năm vẫn phải tự “chạy đầu này đầu kia” thực tập. “Thay vì chủ động hợp tác đào tạo để có sản phẩm tốt thì hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn “dồn” hết trách nhiệm này cho nhà trường. Doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng nhân lực lại… đổ lỗi cho nhà đào tạo. Nhưng thực tế hiện nay, nếu các trường có cố gắng đổi mới vẫn không bao giờ chạy theo kịp doanh nghiệp vì doanh nghiệp thay đổi sản phẩm, quy trình, máy móc, công nghệ liên tục” – TS. Đỗ Phú Trần Tình (Trưởng bộ môn Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) nêu thực tế.
Nặng “hình thức”
Các trường cho rằng, trở ngại còn ở chỗ các doanh nghiệp vẫn ưu tiên tuyển dụng nhân viên chính thức hơn là nhận thực tập sinh rồi bỏ công đào tạo lại nhằm tiết kiệm chi phí. Mặt khác, các doanh nghiệp còn sợ thực tập sinh tiết lộ bí mật kinh doanh, các mối khách hàng. SV cảm thấy an tâm hơn với những chỗ thực tập được nhà trường giới thiệu nhưng các trường không phải lúc nào cũng nắm rõ toàn bộ thông tin về công ty, trong khi có những doanh nghiệp, cá nhân đến trường liên hệ công tác nhưng thiếu hẳn giấy giới thiệu, hồ sơ pháp lý… Theo ThS. Trương Minh Kiệt (Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp – Hỗ trợ SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), việc hợp tác giữa doanh nghiệp đối với nhà trường cần được rõ ràng, cụ thể hơn. Nhà trường sẵn sàng cung cấp số lượng SV phục vụ công tác tuyển dụng cho doanh nghiệp (theo nhu cầu của doanh nghiệp), ngược lại doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho nhóm SV đó có cơ hội tham gia thực tập, làm việc ngoài giờ học tại đơn vị để tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh sự đổi mới cần có từ phía doanh nghiệp và nhà trường trong hợp tác đào tạo, SV còn phải tăng tính chủ động. Thực tế, một bộ phận SV đã để lại hình ảnh “không đẹp” trong mắt các doanh nghiệp sau quá trình thực tập. Có đại diện doanh nghiệp than phiền, SV còn xem nhẹ vấn đề thực tập, chủ yếu chỉ thực hiện cho xong, lấy số liệu để báo cáo trong khi yêu cầu của doanh nghiệp đối với SV thực tập là phải tạo ra được kết quả. Phó giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong phú (PPJ) Nguyễn Thị Liên cũng nhấn mạnh việc tăng tính chủ động ở SV bởi nhiều em khi được đề nghị đóng góp ý kiến cho doanh nghiệp thì lại tỏ ra… im lặng hoặc chỉ nêu ý kiến qua loa chứ không thể hiện mong muốn đóng góp thực sự của mình đối với doanh nghiệp.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)