VN đang xây dựng 4 trường đại học (ĐH) theo mô hình mới với mong muốn đến năm 2020 sẽ có trường thuộc tốp 200 trường ĐH tốt nhất thế giới. Dù hiện nay đã có 2 trường đi vào hoạt động nhưng điều đó vẫn chưa đủ sức tạo nên niềm tin cho mục tiêu đặt ra trong 10 năm nữa.
Trường hàng đầu vắng bóng sinh viên
Bộ GD-ĐT đã cho phép 2 trường có cơ chế tuyển sinh riêng với rất nhiều thuận lợi nhưng hiện có rất ít sinh viên (SV) giỏi đầu quân vào đây.
Lễ khai giảng tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội – Ảnh: P.V
Giảm chỉ tiêu, giảm cả tiêu chuẩn xét tuyển
Trường ĐH Việt – Đức (VGU) thành lập tháng 3.2008, với vốn vay 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa 2 chính phủ VN và Đức. Với định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến và trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của VN đạt chuẩn quốc tế, năm đầu tiên, trường có 80 chỉ tiêu, đào tạo 2 ngành bậc ĐH là Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin. Đối tượng xét tuyển là những thí sinh dự thi khối A theo đề chung của Bộ GD-ĐT, đạt 21 điểm trở lên. Thông báo tuyển sinh được phát đi từ khi trường chưa có quyết định thành lập nhưng đến tháng 9.2008, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên chỉ với 32 SV.
Đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 SV nhập học. Năm 2010, VGU thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu. Xét tuyển thí sinh có tổng 6 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh và Văn) của 3 năm cuối cấp THPT thuộc loại khá giỏi. Bên cạnh đó, trường tiếp tục tuyển những thí sinh có điểm thi ĐH khối A từ 21 trở lên. Kết quả, kỳ tuyển sinh năm 2010 trường cũng chỉ tuyển được 39 SV trong 60 chỉ tiêu, trong đó có chưa tới 20 SV đạt mức điểm 21 trở lên.
“Đãi cát tìm vàng”
Đề án xây dựng 4 trường ĐH mô hình mới của Bộ GD-ĐT là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 – 2020. Với vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… ngoài 2 trường ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, theo kế hoạch, 2 trường nữa sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng và Cần Thơ.
V.T
|
Tình hình tuyển sinh khó khăn cũng diễn ra tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trường được thành lập theo hiệp định song phương giữa Chính phủ VN và Pháp với mô hình là ĐH công lập quốc tế. Năm 2010 trường chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. Để tạo cơ hội cho trường, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép trường được tuyển với một cơ chế riêng. Đầu tháng 9, trường thông báo tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho 2 ngành Công nghệ sinh học – dược học và Khoa học vật liệu – công nghệ nano. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh dự thi ĐH khối A, B, D với mức điểm từ 19 điểm lên.
Đến ngày 25.9, hạn cuối cùng nộp hồ sơ, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Để mở rộng đầu vào, trường đã quyết định hạ mức điểm tuyển xuống chỉ còn 15. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường cho biết, đến trước ngày khai giảng 7.10, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tổng số hồ sơ nộp đến chỉ có 51, qua sơ tuyển chỉ có hơn 30 SV đủ điều kiện nhập học. Ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: “Những SV vào trường năm nay chưa phải là những người xuất sắc nhất. Trong tổng số hơn 30 SV trúng tuyển, chỉ có 5-6 em từ trường khác chuyển sang, còn lại là những SV thi ĐH nhưng chưa trúng tuyển. Mức điểm cao nhất của SV đăng ký vào trường là 22,5 và chỉ có 1 SV”.
Khó tuyển vì học phí cao
Theo một cán bộ của trường ĐH Việt – Đức, việc trường khó khăn trong tuyển sinh một phần vì rào cản ngoại ngữ đầu vào, phần do hạn chế về sự lựa chọn ngành học. Hiện nay trường chỉ có một ngành đào tạo bậc ĐH, lại thuộc lĩnh vực kỹ thuật nên khó thu hút học sinh giỏi. Bên cạnh đó, mức học phí lại khá cao (1.500 USD/năm). Thêm nữa, dù thời gian học tập chủ yếu ở VN nhưng vì chưa có phòng thí nghiệm nên SV phải mất từ nửa năm đến 1 năm sang Đức học tập, các khoản sinh hoạt phí (khoảng 500 USD/tháng) trong thời gian trên SV đều phải tự lo. Do vậy, dù muốn nhưng không phải SV nào cũng có thể theo học tại trường này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng nguyên nhân trường tuyển không đủ chỉ tiêu là do thời gian thông báo tuyển sinh muộn (ngày 9.9.2010), nên thí sinh đã vào trường khác. Ngoài ra, mức học phí cao cũng là một trở ngại. Hiện trường này cũng có mức học phí 1.500 USD/năm nhưng SV chỉ phải đóng 750 USD, còn lại được Nhà nước hỗ trợ.
Đầu tư cho con nhà giàu?
“Tôi nghĩ mục tiêu để có trường ĐH của VN nằm trong tốp 200 trường hàng đầu thế giới vào năm 2020 là quá tham vọng. Để đạt đến đẳng cấp quốc tế cần nhiều thời gian chứ không chỉ cần tiền và cơ sở vật chất. Các trường trong tốp 200 trên thế giới hiện nay có bề dày ít nhất 50 năm, đa số cả trăm năm trở lên, còn ĐH Việt – Đức thì từ nay đến 2020 chỉ còn 10 năm. Số tiền 180 triệu USD tuy lớn nhưng thật ra để xây dựng một trường đẳng cấp quốc tế không phải là nhiều. Vấn đề là sau khi SV học xong từ một ngôi trường do Nhà nước đầu tư thì các em này sẽ phục vụ ai, hay phục vụ nước ngoài (ra nước ngoài sinh sống, hoặc làm cho công ty nước ngoài ở VN)? Và làm sao quản lý điều này? Tôi cho đây là vấn đề công bằng xã hội, vì theo cách làm của VGU thì dường như hiện nay Nhà nước đang tập trung đầu tư cho con nhà giàu (vì không phải ai cũng có tiền đóng 1.500 USD/năm). Vậy người nghèo dù có tài cũng sẽ phải học ở trường công của VN với mức đầu tư thấp. Tôi thấy đây là một vấn đề đau đầu, và rất thông cảm với Nhà nước và Bộ GD-ĐT. Một mặt, mô hình này có lẽ là cần thiết để tạo ra những trường ĐH tốt ở VN, nếu chúng thành công. Mặt khác tôi lại thấy đây là sự bất công đối với các trường công, vì đầu tư thấp, thầy và trò phải giật gấu vá vai, lại có cơ chế quản lý trói buộc, ít tự chủ, nên làm sao mà làm tốt được. Lẽ ra nên lấy ý kiến rộng rãi trước khi triển khai”. Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM “Đẳng cấp quốc tế” chỉ mới trên giấy
“Việc mong muốn có một số cơ sở đào tạo có chất lượng cao là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hình thức và bước đi như thế nào cho hiệu quả thì cần phải suy xét. Việc tuyển sinh gặp khó khăn là điều dễ hiểu bởi cái gọi là “đẳng cấp quốc tế” mới chỉ được khẳng định trên giấy tờ hoặc lời nói chứ chưa có gì để chứng minh cả. Mặt khác, cơ hội chọn lựa học tập của học sinh bây giờ rất đa dạng, chẳng ai muốn mạo hiểm chọn vào học ở một nơi mà đẳng cấp và chất lượng vẫn còn đang nằm ở thì tương lai, vì như nhiều người đã nói, giống như thuốc chữa bệnh, giáo dục là một sản phẩm không thể dùng thử vì khắc phục nó sẽ mất nhiều thời gian, công sức và cả cơ hội nữa. Về quan điểm đầu tư xây dựng một trường mới thì, xin nhắc lại lời của hiệu trưởng một trường ĐH rằng: "Nếu Chính phủ đầu tư cho chúng tôi một số tiền lớn như vậy thì chúng tôi cũng đảm bảo được chất lượng giáo dục quốc tế mà không cần phải nhờ đến một trường ĐH nước ngoài nào hết". Tiến sĩ NGUYỄN VĂN THƯ
Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM H.A (ghi)
|
Vũ Thơ – Hà Ánh / TNO
Bình luận (0)