Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thực trạng lười… nghiên cứu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đối với các nước, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) ở trường đại học rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Trong khi đó, dù đã được báo động rất nhiều nhưng đây vẫn là điểm yếu của các trường Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2020, VN sẽ có trường thuộc tốp 200 ĐH tốt nhất thế giới. Một trong những chuẩn của đẳng cấp quốc tế là phải có thành tích NCKH rất tốt, thế nhưng ở các trường VN hiện nay vẫn còn tình trạng quá ít giảng viên mặn mà với công tác nghiên cứu. 
Minh họa: DAD
Làm cho có
T. – giảng viên của một trường ĐH lớn tại TP.HCM – đã thẳng thắn thừa nhận sự lơ là trong việc NCKH của bản thân mình. Theo T., đồng lương cho một giảng viên theo quy định của Nhà nước vẫn còn thấp. Vì thế, T. phải dạy thêm rất nhiều. Việc NCKH vì thế trở thành thứ yếu. Nếu có yêu cầu phải có đề tài NCKH, T. cũng đăng ký một đề tài và thực hiện qua loa. T. cho biết chỉ đến khi cuộc sống dễ thở hơn, cô mới có thể đầu tư nhiều hơn cho việc NCKH.
Rất nhiều đề tài được tiến hành thực chất chỉ nhằm giải ngân – GS Ngô Tự Lập
Đây không phải là trường hợp cá biệt trong các trường ĐH hiện nay. Do không bị chế tài nếu không NCKH nên nhiều giảng viên chỉ lo đi dạy, làm thêm để tăng thu nhập.
Ngay tại ĐH Quốc gia (QG) TP.HCM, một trong 2 ĐH được xem hàng đầu ở VN, tình hình cũng không sáng sủa. Trong giai đoạn từ 2006 – 2010, ĐH này có 2.300 bài báo khoa học được công bố, trong đó 720 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học thế giới với chỉ số ảnh hưởng trung bình là 1.8. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động chuyển giao công nghệ là 344,5 tỉ đồng, chỉ tăng 1,25 lần so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, vấn đề mà lãnh đạo ĐH này lo ngại là các cán bộ giảng dạy chưa mặn mà với hoạt động NCKH.
Tiến sĩ Hoàng Dũng – Trưởng ban Khoa học – Công nghệ ĐHQG TP.HCM – phân tích: “Nguyên nhân quan trọng nhất của hiện tượng trên là do thiếu kinh phí. Hiện nay nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho NCKH tại ĐHQG TP.HCM mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, số còn lại phải tìm từ các nguồn khác”. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng chính khối lượng giảng dạy cao cũng giảm bớt quỹ thời gian dành cho NCKH của giảng viên. “Muốn giải bài toán này, theo tôi cần phải tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ nghiên cứu. Nhưng tôi e rằng, với các chế độ đãi ngộ như hiện nay các trường rất khó thu hút được các cán bộ giỏi, ngay cả việc giữ chân họ cũng không dễ”, ông Dũng tâm tư. Tiến sĩ Vũ Đình Thành – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM – cho biết: “Không phải giảng viên không mặn mà với nghiên cứu nhưng những cái khó về mặt cơ chế quản lý như việc xét duyệt đề tài, phân bổ ngân sách, thanh toán tài chính… khiến họ bị nản. Thêm vào đó, sự thiếu thốn về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hóa chất cũng hạn chế việc nghiên cứu”.
Dù các trường vẫn cho rằng một trong những lý do khiến giảng viên không đầu tư vào NCKH là do thiếu kinh phí, nhưng trên thực tế tiền dành cho NCKH phải hoàn trả lại Nhà nước vì không phân phối hết cho các đề án nghiên cứu. Ở đây chưa bàn đến vấn đề cơ chế, thủ tục mà chỉ nhìn vào kinh phí thì có thể nói đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến tình trạng NCKH của các trường ĐH VN èo uột.
Bằng chứng là tại hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ” do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 12.2010, đã thống kê số liệu sau: Năm 2007, Bộ Khoa học – Công nghệ trả lại cho ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng vì không giải ngân hết cho các đề án nghiên cứu. Trước đó, năm 2006, Bộ Khoa học – Công nghệ  cũng hoàn trả số tiền lên đến 321 tỉ đồng.
Lãng phí đầu tư
Hiện nay còn có một thực trạng là nhiều đề tài NCKH khi thực hiện xong chỉ nằm trên giấy vì không có giá trị. GS Ngô Tự Lập – khoa Quốc tế, ĐH QG Hà Nội, từng phát biểu rất thẳng thắn: “Hằng năm có bao nhiêu đề tài NCKH có giá trị được thực hiện? Rất nhiều đề tài được tiến hành thực chất chỉ nhằm giải ngân. Nhiều đề tài sau khi hoàn thành và nghiệm thu chỉ xếp vào ngăn kéo chứ rất ít giá trị thực tiễn”.
Mỗi năm chỉ thực hiện 2 đề tài cấp nhà nước
Theo tổng hợp từ báo cáo của 34 trường ĐH, từ năm 2006 đến 2009, các trường chỉ có 248 đề tài cấp nhà nước; 1.823 đề tài cấp bộ; 5.505 đề tài cấp trường. Nghĩa là trong một năm, trung bình một trường chỉ thực hiện được khoảng 2 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ và 54 đề tài cấp trường.
Đ.N
Nguồn thu trong NCKH hiện nay thường được phân làm 2 nhóm. Nhóm có nguồn thu nhiều nhất là công nghệ, kỹ thuật khi các đề tài thường được chuyển giao cho các doanh nghiệp. Nhóm ngành kinh tế, xã hội nhân văn thì hầu như không thu được kinh phí sau khi hoàn thành NCKH. Tuy vậy, ngay trong hội nghị “Tổng kết hoạt động khoa học – công nghệ giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng 2011- 2015 các trường khối kỹ thuật, công nghệ và khoa học tự nhiên” diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn thừa nhận: “Việc NCKH của khối này chưa tương xứng khả năng, tiềm năng của mình và chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội”. Tiến sĩ Trần Linh Thước giải thích: “Do các đơn vị sản xuất thời điểm hiện nay thường chỉ nhập dây chuyền, công nghệ trong khi đa phần đề tài NCKH là nghiên cứu, cải tiến dây chuyền nên không được các công ty đề nghị chuyển giao, áp dụng vì sợ rủi ro”.
Giải pháp
Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Phòng thí nghiệm AILab trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, rất tâm tư về thực trạng NCKH hiện nay. Ông đưa ra những yếu tố mà theo ông nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng NCKH: Thứ nhất, các nhà khoa học đầu đàn – những người thường xuyên ngồi ở các hội đồng thẩm định, xét duyệt kinh phí đề tài – đôi khi thiếu khách quan trong việc ra các tiêu chí đánh giá và ít khi phổ biến các tiêu chí đó một cách rõ ràng cho các nhà khoa học khác. Thứ hai, giảng viên đại học – người có kiến thức và kinh nghiệm NCKH – thường phải giảng dạy và kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Thứ ba, nghiên cứu sinh – người đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết một vấn đề khoa học cụ thể – lại không thể tự sống được bằng nguồn kinh phí dự án hoặc thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra trả cho các bài báo khoa học.
Ông Hoàng Dũng – Trưởng ban Khoa học – Công nghệ ĐHQG TP.HCM – kiến nghị: “Nên đổi mới cơ chế quản lý, các nhiệm vụ khoa học công nghệ dựa trên kết quả đầu ra. Việc thí điểm khoán kinh phí căn cứ trên sản phẩm đầu ra là một trong các giải pháp vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường thông thoáng và hiệu quả, giúp khơi nguồn và phát huy sức sáng tạo khoa học trong ĐH”.
Th.S Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – chia sẻ: “Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ rằng nếu muốn phấn đấu đến năm 2020 GDP gấp 3,2 lần so với năm 2010, khoa học công nghệ cần phải có sự đột phá. Chỉ có qua tay doanh nghiệp, sức mạnh của ngành khoa học công nghệ mới được bộc lộ và phát huy. Mỗi khi doanh nghiệp tham gia nghiên cứu hoặc hỗ trợ nhà khoa học nghiên cứu thì chắc chắn sản phẩm của nó sẽ được sử dụng hiệu quả”.
Những hạn chế của NCKH

* Các đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp cơ sở trong các trường ĐH, viện nghiên cứu thường do giảng viên, nghiên cứu viên tự đề xuất, các đơn vị thụ hưởng không rõ ràng và hầu như các nghiên cứu không có địa chỉ sử dụng, cùng lắm là chỉ phục vụ viết sách, tính điểm công trình nghiên cứu.
* Do kinh phí đề tài cấp bộ, cấp cơ sở hạn chế (20 – 70 triệu đồng/đề tài), nên các nghiên cứu thực nghiệm khó thực hiện. Các đề tài nghiên cứu có phạm vi quá rộng nên nghiên cứu không sâu. Cách tiếp cận chủ yếu dựa trên tài liệu quá khứ, tổng hợp lại các ý kiến đã có trước ở đâu đó, thiếu sự nghiên cứu khám phá tìm tòi mới.
* Việc tổ chức, đánh giá nghiệm thu đề tài trong nhiều trường hợp còn mang tính cả nể, ca ngợi nhiều hơn là bình luận phê phán.
Tiến sĩ  NGUYỄN THỊ CẢNH
(Trưởng bộ môn Tài chính, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH QG TP.HCM)
Đăng Nguyên – Hà Ánh / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)